Ngày đăng: 06/04/2021 lúc 09:59:36

Hiện nay, trào lưu sống thử khiến nam nữ sống chung với nhau, không đăng ký kết hôn nhưng có con chung xảy ra rất nhiều. Thực trạng này mang đến rất nhiều vướng mắc trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cha mẹ và con khi xác lập quan hệ cha mẹ con cũng như phân định quyền nuôi con.

Trước hết, căn cứ Khoản 1, Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.”

Do đó, việc sống chung không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền không được coi là quan hệ hôn nhân và không được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh đó, Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.” Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Như vậy, tuy việc sống chung như vợ chồng không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa hai bên nhưng quyền, nghĩa vụ với con vẫn được xác lập. Cha mẹ đều phải có nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng con cái, dù đó là con trong giá thú hay ngoài giá thú, pháp luật bảo vệ quyền nuôi con nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho con trẻ. Khi không chung sống với nhau nữa thì việc quyết định ai nuôi con sẽ dựa trên nguyên tắc thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi của con để giao con cho người nào trực tiếp nuôi dưỡng.

 

Đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi

Trường hợp này quyền nuôi con được ưu tiên cho người mẹ. Điều này áp dụng theo quy định Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014. Nếu cha mẹ có thỏa thuận khác hoặc người mẹ không có điều kiện nuôi con thì người cha được quyền nuôi con. Người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp con trên 36 tháng tuổi

Quyền nuôi con sẽ do hai bên thỏa thuận. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên sao cho hợp tình, hợp lý và bảo vệ được quyền và lợi ích cho đứa trẻ. Tuy nhiên, trường hợp này các bên phải chứng minh được mối quan hệ cha mẹ con để tòa án có căn cứ giải quyết.

Đối với trường hợp con trên 7 tuổi

Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con, xem con muốn sống với cha hay mẹ?

Tóm lại, khi muốn giành quyền nuôi con thì một trong hai bên cha mẹ có thể thỏa thuận với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì phải chứng minh bản thân có điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam