'Bán chui' cổ phiếu dưới góc độ pháp lý
Chúng ta thường nghe “đầu tư chui”, “cưới chui” …tóm lại gắn với từ “chui” là phản ánh một hành vi không minh bạch. Trong thời gian qua xuất hiện thêm hành vi “ bán chui” cổ phiếu. Vây bán chui cổ phiếu là như thế nào? Tại sao mọi người thực hiện lệnh mua bán cổ phiếu không cần thông báo với ai nhưng đối với một số cá nhân lại bị coi là bán chui?
Xem toàn văn: Luật chứng khoán 2019
Theo quy định tại Điều 118 Luật chứng khoán 2019 các đối tượng khi giao dịch chứng khoán bắt buộc phải thông báo một thời gian nhất định trước khi giao dịch bao gồm:
a) Công ty đại chúng;
b) Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng;
c) Tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp;
d) Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam;
đ) Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
e) Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;
g) Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;
h) Người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo quy định tại khoản 45 Điều 4 của Luật này và người có liên quan của người nội bộ;
i) Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;
k) Đối tượng khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Từ quy định nêu trên có thể thấy ông Trịnh Văn Quyết thuộc đối tượng bắt buộc phải công bố thông tin trước khi giao dịch. Nếu không thực hiện theo quy định công bố thông tin trước khi bán bị coi là “bán chui” và vi phạm quy định của pháp luật.