Bị người khác đánh được bồi thường những gì?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41093

Câu hỏi:

Kính thưa luật sư em muốn được tư vấn trường hợp của em. Em đăng ký du học Nhật Bản ở công ty du học Hồng Nhung số 413 Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy vào tháng 10/2015 để du học Nhật kỳ tháng 4 là bay sang Nhật và đặt cọc cho công ty là 20 triệu. Trước khi đăng ký em hỏi kỹ là em đã có vợ liệu có đi được không? Giám đốc công ty bảo là đi được chứ! (Em sang học xong rồi bảo lãnh cho vợ và con sang luôn). Em đồng ý ký hợp đồng với công ty và đặt cọc 20 triệu. Trong hợp đồng có ghi là nếu do công ty làm sai hồ sơ và không đậu visa thì hoàn trả lại 50% (tức 10 triệu). Kết quả là em không đậu visa. Em gọi điện hỏi thì được nhân viên công ty báo là lỗi chỉ do công ty không uy tín dẫn đến việc bị trượt visa. Em gọi hỏi trực tiếp giám đốc công ty thì được bảo là cứ đợi để chị ấy xin phúc khảo lại tại công ty trượt rất nhiều visa mà toàn là hồ sơ đẹp. Nếu không được thì đi khóa tiếp theo là kỳ nhập học tháng bảy. Sau nhiều ngày chờ không có kết quả em gọi điện cho giám đốc hỏi thì chị bảo tháng 7 không đi được phải đợi đến tháng 10. Em hỏi lại thì chị bảo tháng 10 chị cũng không hứa là đi được hay không nên hôm nay em ra công ty để rút hồ sơ. Khi em đến công ty thì họ đưa cho em 1 tờ giấy bằng tiếng Nhật không có tên em cũng không có con dấu nào để chứng minh là lỗi do em và bảo là không phải lỗi công ty nên không trả lại tiền. Em có bảo lại với giám đốc là chị đưa lý do này thì em không  thể đọc được. Sau đó tổng giám đốc (là chồng của giám đốc)bảo em tự gọi sang trường bên Nhật mà hỏi. Em đứng lên gấp giấy tờ lại để về và bảo chị trả lại cho em 1 nữa là 10 triệu như hợp đồng đi thì anh chồng là tổng giá đốc đứng lên chửi em. Lúc đó em gần ra đến cửa thì em bức xúc quá quay lại bảo là mẹ em mất rôi cấm không được nói như thế. Rồi Tổng giám đốc chạy tới bảo đóng cửa lại và bắt đầu đánh đập em giã man. Em đứng im cho đánh, sau đó giằng điện thoại của em không cho em gọi ai. Sau đó bắt em mở mật khẩu điện thoại để xóa hình ảnh với video (tưởng em quay phim) em không mở thế là bắt em ngồi xuống bàn vừa đe dọa vừa đánh bắt em phải mở điện thoại. Khi mở điện thoại không có gì thì tiếp tục bắt em ngồi xuống ghế lấy giày đá vào mặt, lấy gối chân gối tay liên tiếp đánh vào mặt em, vừa đánh vừa chửi. Khi tha em ra về thì em ra báo công an phường nhưng khi 1 anh công an đến công ty với em và gọi anh ấy ra thi anh ấy đòi đánh tiếp. Sau khi em gọi người nhà em đến thì họ đồng ý trả lại 1 nửa tiền nhưng chỉ trả cho em được  8 triệu. Em chưa viết bản tường trình cho công an phường vì công an bảo là chỉ cho quyết định đi khám sức khỏe nếu thương tật dưới 11% thì xử lý phạt tiền còn trên 11%thi là hình sự. Nếu đi khám sức khỏe thì em chỉ được trả tiền khám ngoài ra không được đền bù gì cả nên em không viết tường trình nữa. Em muốn hỏi trường hợp của em có được đền bù gì không vì em bị xúc phạm, đánh đập trước mặt hơn 10 nhân viên công ty. Xin được tư vấn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự 2005;

– Bộ luật Hình sự

– Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP;

– Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP.

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất: Tranh chấp về hợp đồng giữa bạn và Công ty Du học Hồng Nhung.

Tháng 10/2015 bạn có đăt cọc 20 triệu và ký hợp đồng với Công ty du học Hồng Nhung, theo đó: Công ty du học Hồng Nhung đảm bảo cho bạn đi du học Nhật kỳ tháng 4, trong hợp đồng có ghi là nếu do cty làm sai hồ sơ và không đậu visa thì hoàn trả lại 50%, và do Công ty không uy tín nên nay bạn đến để lấy lại tiền đặt cọc nhưng Công ty Du học Hồng Nhung không trả.

Trong trường hợp có tranh chấp về đặt cọc mà các bên không có thoả thuận được, thì việc xử lý phạt cọc được thực hiện như sau:

Theo mục 1 của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về tranh chấp hợp đồng dân sự có đặt cọc như sau:

Theo quy định tại Điều 130 Bộ luật dân sự 2005 thì thoả thuận về đặt cọc là một giao dịch dân sự; do đó, việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2005 và phải được lập thành văn bản (có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính).Trong trường hợp có tranh chấp về đặt cọc mà các bên không có thoả thuận khác về việc xử lý đặt cọc, thì việc xử lý được thực hiện như sau:

a. Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 363 Bộ luật dân sự 2005.

Khoản 2 Điều 363 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

b. Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mới có sự vi phạm làm cho hợp đồng không được thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc. Việc giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo thủ tục chung.

Trong trường hợp của bạn, việc bạn đặt cọc cho công ty du học Hồng Nhung 20 triệu là để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng, khi thực hiện hợp đồng thì do lỗi của Công ty nên đã không thực hiện được, nên công ty sẽ phải trả lại số tiền 10 triệu theo thỏa thuận. Trường hợp công ty không thực hiện bạn có thể làm đơn và gửi ra Tòa án nhân dân Quận Hai Bà Trưng để được giải quyết.

Thứ hai: Chồng của Giám đốc Công ty Du dịch Hồng Nhung đã có hành vi đánh đập và chửi bới bạn.

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

 

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân."

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bạn đến đòi lại tiền đặt cọc của hợp đồng đã ký trước đó với Giám đốc Công ty du học Hồng Nhung, nhưng Tổng giám đốc công ty không trả và đã có hành vi bắt bạn ngồi xuống ghế lấy giày đá vào mặt, lay gối chân gối tay liên tiếp đánh vào măt bạn, vừa đánh vừa chửi. Bạn đã báo cho công an phường và công an yêu cầu bạn viết bản tường trình nhưng bạn không viết, công an bảo cho quyết định đi khám sức khỏe nếu thương tật dưới 11% thì xử lý phạt tiền còn trên 11%thi là hình sự. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bạn cần viết bản tường trình kể ại sự việc nộp cho công an, tiến hành giám định tỷ lệ thương tật theo giấy do cơ quan công an cấp. Ngoài ra bạn cần làm đơn tố cáo hành vi này đến cơ quan công an ở địa phương. Nếu có căn cứ xác thực, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra nếu đủ các yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì sẽ bị khởi tố ra trước pháp luật.

Do bạn bị Tổng giám đốc đánh và bị chửi bới thậm tệ, bạn sẽ được bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường được thực hiện theo quy định của  Bộ luật dân sự 2005.

Điều 604  Bộ luật dân sự 2005 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."

Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định tại mục II.1 của Nghị quyết thì việc bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: (1) chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; (2) thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; (3) chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; (4) chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc; (5) khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.

Về nguyên tắc, bên có hành vi vi phạm phải tiến hành bồi thường kịp thời và đầy đủ. Việc bồi thường sẽ căn cứ theo thỏa thuận của hai bên, nếu bên kia mà cố tình không bồi thường thì bạn có thể làm đơn và gửi đến Tòa án nhân dân để được giải quyết.

 Như vậy, Tổng Giám đốc Công ty du học Hồng Nhung đã gây tổn hại cho sức khoẻ của bạn, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự (nếu hành vi đó thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm) thì còn phải bồi thường thiệt hại dân sự cho bạn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.