Các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú theo pháp luật

Ngày gửi: 15/01/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33522

Câu hỏi:

Tôi là quân nhân trong quân đội, khi đi bộ đội thì bản thân vẫn còn tên trong sổ hộ khẩu nhưng khi có chủ trương cấp lại sổ hộ khẩu mới thì bản thân không có tên trong sổ hộ khẩu mới của gia đình nữa. Nếu bây giờ bản thân tôi lập gia đình và chuẩn bị có con thì con của tôi sẽ có hộ khẩu ở đâu. Mong luật sư giải đáp giúp tôi được không ạ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1.Cơ sở pháp lý:

Luật cư trú 2006

Luật Hộ tịch 2014

Nghị định 123/2015/NĐ-CP

2.Nội dung tư vấn:

Theo quy định tại Điều 22 Luật Cư trú 2006 về xóa đăng ký thường trú có quy định:

“1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:

a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Ra nước ngoài để định cư;

đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.”

Như vậy về nguyên tắc chỉ khi nhận được thông báo của cơ quan đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới thì bên cơ quan có đăng ký thường trú của bên cư trú cũ mới xóa đăng ký thường trú. Trong trường hợp của bạn thì bạn là quân nhân phục vụ trong quân đội thì nơi cư trú của bạn sẽ là nơi bạn đang đóng quân trong quân đội theo điều 16 Luật Cư trú 2006.

“1. Nơi cư trú của người đang làm nghĩa vụ quân sự hoặc đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân.”

Đối với cán bộ, chiến sĩ hiện đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó sẽ xác nhận tình trạng hôn nhân. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có thể xác nhận trực tiếp vào tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp). Đối với thủ tục và thẩm quyền đăng ký kết hôn sẽ được thực hiện như đối với các trường hợp thông thường.

Lưu ý: khi bạn muốn kết hôn với vợ không phục vụ trong quân đội thì bạn cần chủ động nộp đơn tìm hiểu để kết hôn và Đơn xin kết hôn gửi đến phòng Tổ chức cán bộ của đơn vị bạn công tác. Sau đó phòng này sẽ thực hiện việc thẩm tra lý lịch của người bạn muốn kết hôn cũng như những người thân trong gia đình trong phạm vi 3 đời. Theo quy định của khối ngành quân đội, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì bạn sẽ không được kết hôn với người bạn muốn kết hôn như sau:

Gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, ngụy quân, ngụy quyền;

Bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù;

Gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành…;

Gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa;

Bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả đã nhập tịch).

 Theo Điều 16 Luật Cư trú có quy định về nơi cư trú của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân như sau:

“1. Nơi cư trú của người đang làm nghĩa vụ quân sự hoặc đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân.

2. Nơi cư trú của sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân, viên chức Công an nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này.”

Đối chiếu theo quy định trên thì bạn có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con của bạn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đơn vị của bạn đóng quân.

Về thủ tục đăng ký khai sinh cho con bạn được thực hiện như sau:

Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Nếu không có người làm chứng, người đi khai sinh làm giấy cam đoan việc sinh là có thực;

Sổ Hộ khẩu;

Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ;

CMND/Hộ chiếu Việt Nam (bản chính và bản photo) của cha mẹ hoặc người đi làm thay;

Điền mẫu tờ khai đăng ký khai sinh (Mẫu TP/HT-2012-TKKS.1 quy định tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực).

Nơi nộp hồ sơ: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đơn vị bạn đóng quân.

Sau khi nhận và kiểm tra các giấy tờ trên nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Công chức tư pháp–hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.