Cách thức xử lý khi em rể nhiều lần đe dọa đòi giết anh trai
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật hình sự 1999.
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2003;
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014
– Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007;
2. Nội dung tư vấn
Theo như bạn trình bày, thì bạn nhiều lần bị em rể đe dọa giết cũng như chửi bới thô tục, lăng mạ khiên bạn sống trong phập phồng lo âu, không an tâm sống chung với gia đình. Trong trường hợp này bạn hoàn toàn có thể làm đơn tố cáo hành vi của em rể bạn ra công an cấp huyện nơi người em rể cư trú để điều tra, xác minh. Kèm theo đơn thì bạn cũng phải gửi kèm các căn cứ chứng minh hành vi của anh T như tin nhắn, đoạn ghi âm,… đe dọa giết bạn, chửi bới, xúc phạm bạn.
Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“16. Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.”
Em rể bạn thường xuyên có hành vi chửi bới thô tục, lăng mạ, dùng lời lẽ vô văn hóa đối với bạn cũng như vợ bạn. Đây là hành vi bạo hành gia đình được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 như sau:
“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;”
Trong trường hợp này, bạn có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền Uỷ Ban nhân dân cấp xã hoặc công an để yêu cầu xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, bạn có thể liên hệ với các tổ chức xã hội để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi. Theo quy định tại Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình:
"1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật."
Như vậy, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi bạo lực gia đình, em rể bạn sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo đó, nếu hành vi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự thì em rể bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả.
Thứ nhất, hành vi của em rể bạn có thể xác định là hành vi đe dọa giết người theo Điều 103 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
“Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”
Theo đó, nếu hành vi của em rể bạn đáp ứng đủ các yếu tố cơ bản dưới đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người:
– Thứ nhất, về chủ thể phạm tội: Em rể bạn phải đủ 16 tuổi trở lên cũng như có đầy đủ năng lực hành vi hình sự, không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự.
– Thứ hai, về mặt chủ quan: Em rể bạn phải thực hiện hành vi đe dọa với lỗi cố ý. Và em rể bạn cũng nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra sự lo sợ cho bạn, có thể dẫn đến hậu quả như lời đe dọa nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
– Thứ ba, về hành vi khách quan thì em rể bạn phải có hành vi làm cho bạn lo sợ. Hành vi này chỉ có thể là hành động như bằng lời nói, cử chỉ, cách nhìn, nhưng không phải để thực hiện việc giết người mà chỉ nhằm làm cho người bị đe doạ tưởng thật là mình có thể bị giết như: mài dao, lấy súng lên đạn, viết thư, nhắn tin v.v…
Hành vi đe doạ của em rể bạn phải làm cho bạn – người bị đe doạ thực sự tin rằng mình sẽ bị giết, tức là có căn cứ để xác định hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện;
Ở đây, em rể bạn nhiều lần chửi bới thô tục, lăng mạ và còn đòi giết bạn nhiều lần. Bên cạnh đó, em rể bạn còn mượn rượu để đòi giết bạn. Điều này khiến bạn tin tưởng rằng em rể bạn sẽ giết bạn cũng như sống trong phập phồng lo âu, không an tâm.
Như vậy, với hành vi đe dọa giết người của em rể bạn đối với bạn thì em rể bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự 1999. Và tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi mà em rể bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức độ khác nhau. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích của bạn, bạn làm đơn tố giác lên cơ quan có thẩm quyền nhờ giải quyết để bảo vệ tính mạng của mình. Sau khi tiếp nhận tin tố giác, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác minh nội dung nguồn tin tố giác và đưa ra kết luận nội dung tố giác. Và theo Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thì thời hạn giải quyết là 20 ngày hoặc không quá 2 tháng với trường hợp phức tạp.
Nếu hành vi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự thì em rể bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì em rể bạn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Đồng thời, bạn có quyền yêu cầu em rể bạn phải xin lỗi công khai đối với hành vi chửi bới lăng mạ đối với bạn.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam