Cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2016

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38952

Câu hỏi:

Cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2016. Thuế thu nhập cá nhân được tính trên những khoản thu nhập chịu thuế nào?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

* Công thức tính thuế thu nhập cá nhân:

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập chịu thuế x Thuế suất

– Thu nhập chịu thuế:

Thu nhập chịu thuế được tính bằng tổng thu nhập quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 (không thuộc các trưởng hợp quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) trừ đi giảm các khoản như đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện,  giảm trừ gia cảnh (Điều 19, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012), giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện (Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007) … Chính phủ quy định mức tối đa được trừ đối với khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện quy định tại khoản 4, Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014).

Thu nhập chịu thuế của cá nhân kinh doanh được xác định bằng doanh thu của cá nhân (doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh ) trên từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Thuế suất được quy định: đối với phân phối, cung cấp hàng hóa 0,5%; đối với dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu 2%; đối với hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp 5%; đối với hoạt động sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn liền với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu 1,5%; đối với hoạt động kinh doanh khác 1% (khoản 4, Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014)

Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số thu nhập quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 bao gồm: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ  mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm: tiền lãi cho vay; lợi tức cổ phần; thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ (khoản 3, Điều 3, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007).

Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần (khoản 5, Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014).

Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần.Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản (khoản 6, Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014).

Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng ( Điều 15, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007).

Thu nhập chịu thuế từ bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ theo từng hợp đồng ( Điều 16, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007).

Thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng hợp đồng nhượng quyền thương mại ( Điều 17, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007).

Thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh ( Điều 18, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007).

– Thuế suất đối với thu nhập tính thuế quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 áp dụng biểu thuế luỹ tiến. Còn thuế suất đối với thu nhập tính thuế quy định tại Khoản 2 Điều 21 của Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 áp dụng biểu thuế toàn phần.

Biểu thuế lũy tiến từng phần (Khoản 2, Điều 22, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012):

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

Biểu thuế toàn phần (Khoản 7, Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014):

Thu nhập tính thuế

Thuế suất (%)

a) Thu nhập từ đầu tư vốn

5

b) Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại

5

c) Thu nhập từ trúng thưởng

10

d) Thu nhập từ thừa kế, quà tặng

10

đ) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn quy định tại khoản 1, Điều 13 của luật này

Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tài khoản 1, Điều 13 của luật này

20

0,1

e) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản 

2

Ví dụ: Bà C có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 40 triệu đồng và nộp các khoản bảo hiểm là: 7% bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế trên tiền lương. Bà C nuôi 2 con dưới 18 tuổi, trong tháng Bà C không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Bà C có bán một mảnh đất cho chị D với giá 200 triệu đồng. Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của Bà C được tính như sau:

– Thu nhập chịu thuế của Bà C là 40 triệu đồng.

– Bà C được giảm trừ các khoản sau:

Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 9 triệu đồng

Giảm trừ gia cảnh cho 02 người phụ thuộc (2 con):

3,6 triệu đồng × 2 = 7,2 triệu đồng

 Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:

40 triệu đồng × (7% 1,5%) = 3,4 triệu đồng

Tổng cộng các khoản được giảm trừ:

 9 triệu đồng  7,2 triệu đồng 3,4 triệu đồng = 19,6 triệu đồng

– Thu nhập tính thuế của Bà C là:

40 triệu đồng – 19,6 triệu đồng = 20,4 triệu đồng

– Số thuế phải nộp:

     Số thuế phải nộp dựa trên tiền lương tính theo từng bậc của Biểu thuế lũy tiến từng phần:

  Bậc 1: thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%:

5 triệu đồng × 5% = 0,25 triệu đồng

  Bậc 2: thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%:

(10 triệu đồng – 5 triệu đồng) × 10% = 0,5 triệu đồng

Bậc 3: thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%:

(18 triệu đồng – 10 triệu đồng) × 15% = 1,2 triệu đồng

Bậc 4: thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%:

(20,4 triệu đồng – 18 triệu đồng) × 20% = 0,48 triệu đồng

Số thuế Bà C dựa trên tiên lương phải tạm nộp trong tháng là:

0,25 triệu đồng 0,5 triệu đồng 1,2 triệu đồng  0,48 triệu đồng = 2,43 triệu đồng

     Số thuế phải nộp cho lần chuyển nhượng bất động sản:

200 triệu đồng × 2% = 2 triệu đồng

  • Vậy tổng số thuế thu nhập cá nhân mà bà C phải nộp trong năm là

 (2,43 triệu đồng × 12) 2 triệu đồng = 31,16 triệu đồng

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.