Cha mẹ cưỡng ép con ly hôn bị xử lý thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL35621

Câu hỏi:

Em chào anh chị, em muốn anh chị tư vấn cho em vấn đề hôn nhân gia đình. Cụ thể như sau: năm 2015 em và chồng em kết hôn, chồng em đã có một người vợ trước đó, họ đã ly hôn. Nhưng sau khi chúng em cưới nhau, vợ chồng sống rất hạnh phúc thì cô vợ kia có ý quay lại với chồng em, cô ấy thường xuyên gọi điện, nhắn tin lấy đủ lý do để chồng em phải ra với con chung của họ. Em theo dõi thấy chồng em có thái độ khác, lúc đầu nghe điện thoại lén lút, sau đó thì ngang nhiên nghe trước mặt em. Mẹ chồng em đã lập một âm mưu đổ tội cho em làm hỏng chìa khóa của chồng rồi đuổi em ra khỏi nhà, bà bảo với mọi người chờ đẻ mấy tháng bắt chồng bỏ vợ, người vợ trước bà cũng bắt bỏ như vậy. Chồng em nghe theo mẹ, từ lúc em sinh con không hề quan tâm, đi lại và không có trách nhiệm với con em. Rất nhiều lần đi làm về em gặp chồng em đi trên tuyến đường ra chỗ người vợ cũ nhưng vì con nhỏ nên em không đi theo được, tình cờ tuần trước em đi làm về, gặp chồng em ra đó, em đi theo nhưng chồng em chối không nhận. Vậy anh chị cho em hỏi việc đi lại với vợ cũ như thế, (mà mục đích của mẹ chồng em là để họ sinh con trai) thì vi phạm Luật hôn nhân gia đình 2014 như thế nào? Việc hai vợ chồng em đang sống hạnh phúc cô vợ kia xen ngang thì sao? Và mẹ chồng em ép con trai bỏ vợ thì vi phạm gì? Em xin chân thành cảm ơn. Em mong nhận được sự phản hồi của công ty. 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, chồng bạn có quan hệ với người vợ cũ:

Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999 quy định Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng như sau:

"1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì hành vi “chung sống như vợ chồng” là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó… đồng thời chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v…

Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Theo như bạn trình bày, chồng bạn và vợ cũ đã ly hôn, giữa hai người không còn quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý, nay chồng bạn và người vợ cũ có quan hệ, nếu giữa 2 người có hành vi chung sống với nhau như vợ chồng như đã nêu ở trên, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999.

Nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP:

“Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

…”.

Thứ hai, hành vi xúi giục, cưỡng ép chồng bạn ly hôn của mẹ chồng:

Nếu mẹ chồng bạn có hành vi ép con trai bỏ vợ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 1999:

“Điều 146. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ

Hiện trạng chung sống với nhau như vợ chồng tại Việt Nam

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”

Nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự 1999 thì sẽ bị xử phạt vi phạm vi phạm hành chính theo Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 55. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.

2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.”

Để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn có thể làm đơn tố cáo tới cơ quan công an cấp xã nơi bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.