Cha mẹ ly hôn, các con có quyền can thiệp – ý kiến – ngăn cản không?
Ngày gửi: 05/09/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Cha mẹ ly hôn, các con có quyền can thiệp - ý kiến - ngăn cản không? Bố mẹ ly hôn, các con không đồng ý có được nêu ý kiến với Toà án hay không?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật phòng chống bạo lực năm 2007.
2. Nội dung tư vấn
Khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, sẽ có rất nhiều cay đắng và giận dữ phát sinh giữa hai vợ chồng và điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò làm cha làm mẹ của hai người. Trong những cuộc hôn nhân này thì đến cuối cùng bị ảnh hưởng lớn nhất vẫn là con cái bị ảnh hưởng đến tâm lý và làm đảo lộn cuộc sống của trẻ em. Vậy khi bố mẹ ly hôn các con có quyền can thiệp, đưa ra ý kiến hay thậm chí là ngăn cản không cho bố mẹ ly hôn không ? Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề này.
1. Định nghĩa về việc ly hôn theo quy định của pháp luật
Theo điều 3 của luật hôn nhân và gia đình năm 2014 ly hôn được hiểu là “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.” Ngoài ra việc cản trở ly hôn: theo quy định tại khoản 10 Điều 3, cản trở ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.
Hiện nay thì việc ly hôn theo quy định thì có hai trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất là thuận tình ly hôn: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Trường hợp thứ 2: Ly hôn theo yêu cầu của một bên: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
2. Con cái có quyền ngăn cản việc ly hôn của cha mẹ không?
Khoản 3 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cản trở ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ. Hôn nhân được tạo lập dựa trên tinh thần tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Do đó, khi không thể duy trì mối quan hệ vợ chồng thì ly hôn cũng phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng.Yêu cầu ly hôn sẽ do một bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng nộp đơn lên Tòa án yêu cầu cho ly hôn. Có hai trường hợp ly hôn là đơn phương ly hôn (khi chỉ một bên có yêu cầu ly hôn) hoặc thuận tình ly hôn (khi cả hai bên vợ chồng đều có mong muốn ly hôn).
Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì con cái chỉ có quyền yêu cầu Tòa án cho cha mẹ ly hôn chỉ trong một trường hợp duy nhất đó là một trong hai bên cha mẹ:
– Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình;
– Là nạn nhân bạo lực gia đình do người còn lại gây ra khiến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra theo khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 có quy định như sau:
“Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.”
Như vậy, có thể thấy pháp luật không cho phép hành vi con cái cản trở việc ly hôn của cha mẹ. Ý kiến của con cái chỉ được Tòa án xem xét trong trường hơp có tranh chấp về quyền nuôi con.
3. Xử lý về việc ngăn cản ly hôn theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào ngăn cấm người khác kết hôn tự nguyện, tiến bộ bằng các hành vi nêu trên thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
“Điều 55. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.”
Mặt khác, nếu đã từng có bị xử phạt hành chính vì hành vi cản trở người khác lý hôn thì người đó còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 181 Bộ luật Hình sư 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm
“Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện:
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Như vậy căn cứ theo điều 181 thì chủ thể của tội phạm trong trường hợp này là bất kỳ ngưòi nào có năng lực trách nhiệm hình sự, thông thường là những người có uy thế trong gia đình như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị người nuôi dưỡng của người bị hại hoặc người có quyền uy ảnh hưởng lốn đối với người bị hại (như Thủ trưởng cơ quan đối với nhân viên…) do đó thường là những ngưòi đã thành niên, tức từ đủ 18 tuổi trở lên.
Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện thực hiện hành vi của mình do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện của họ, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Đối với tội cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyên, tiến bộ người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Các tội phạm nói trên xâm phạm đến quyền kết hôn, quyền ly hôn của người khác (nam, nữ). Ngoài ra còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Khi có hành vi cưỡng ép kết hôn: Đây là hành vi buộc người khác (thông thường là con, cháu trong gia đình, họ tộc) phải kết hôn với người (nam hoặc nữ) mà họ không muôn kết hôn với ngươi đó, tức trái với sự tự nguyện của họ cụ thể như sau:
– Ngăn cản đôi nam nữ không cho họ kết hôn theo mong muốn của họ, mặc dù họ đã có đầy đủ các điều kiện kết hôn. Ngăn cản người khác duy trì quan hệ vợ chồng hợp pháp (tức quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ), nghĩa là làm cho họ phải ly hôn, trái với ý muốn của họ.
Thủ đoạn phạm tội được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
Hành hạ: Là đốì xử tàn ác đối với người bị cưỡng ép kết hôn hoặc bị cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ như đánh đập, buộc làm những việc nặng nhọc,… và coi đó là một hình phạt gây đau đớn về thể chất một cách thường xuyên, làm cho họ bị đau đớn về thể xác hoặc tinh thần.
Ngược đãi: Là đối xử tồi tệ về mọi mặt (ăn, mặc, ở…) đối với người bị cưỡng ép kết hôn hoặc bị cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ. Đối xử tồi tệ được thể hiện qua việc mắng chửi thậm tệ, xỉ vả, làm nhục trước bạn bè… một cách thường xuyên.
Uy hiếp tinh thần: Là đe doạ dùng vũ lực xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc đe doạ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, tước đi những lợi ích thiết thân (như đuổi ra khỏi nhà…) của người bị cưỡng ép kết hôn hay bị cản trở kết hôn hoặc bị cản trở không cho duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ.
Yêu sách của cải: Là cố tình thách cưới thật cao so với tục lệ thách cưới thông thường nhằm để bên bị thách cưới không thể đáp ứng được, phải từ bỏ việc kết hôn.
Những thủ đoạn khác: Ngoài những thủ đoạn đã nêu thì những thủ đoạn khác phải là thủ đoạn được sử dụng với mục đích cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ (ví dụ: Ghép ảnh của người nữ thành ảnh khoả thân và gửi cho người nam để họ mâu thuẫn không kết hôn nữa).
Như vậy trong trường hợp nếu không đồng ý cho cha mẹ ly hôn, người con nên dùng tình cảm để khuyên bảo và hàn gắn mối quan hệ của cha mẹ chứ không nên cố tình ngăn cấm bằng cách hành vi tiêu cực. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến tình cảm gia đình mà còn có thể vi phạm pháp luật.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam