Chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do kinh tế

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL36664

Câu hỏi:

Xin chào luật sư. Mong luật sư giúp em trả lời câu hỏi này. Em làm quản lý cho công ty mới thành lập công ty TNHH PT – TM. Công ty ký hợp đồng thử việc với em 2 tháng từ ngày 9/8/2016 đến ngày 10/10/2016. Sau đó công ty ký hợp đồng 12 tháng với em. Nhưng lương thử việc của em 2 tháng đầu là 8.000.000 đồng. Khi ký hợp đồng chính thức 12 tháng thì lương 9.000.000 đồng. Nhưng hợp đồng 12 tháng để mức lương 3.920.000 đồng. Nhưng lương em vẩn nhận 9.000.000 như đã thỏa thuận ban đầu. Cho đến 18/11/2016 thì công ty thông báo cắt giảm lao động do không đủ quỹ lương để trả. Công ty thông báo cho em biết chỉ 12 ngày, đến ngày 30/11/2016 em đã nhận được quyết định trên. Trong quá trình em làm việc không sai phạm gì hết chấp hành tốt công việc. Và công ty cũng đã đóng bảo hiểm cho em bảo hiểm y tế bảo hiểm xã hội bảo hiểm thất nghiệp. Vậy cho em hỏi em có được hưởng trợ cấp và kiện thì em phải ra toà hay công đoàn?  Em xin cám ơn nhiều, rất mong câu trả lời từ luật sư. 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ Điều 44 Bộ luật lao động 2012 quy định Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế như sau:

"1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

Khoản 2 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định về Thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế như sau:

“2. Lý do kinh tế tại Khoản 2 Điều 44 của Bộ luật Lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;

b) Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.”

Nếu công ty bạn chứng minh được do khủng hoảng hay suy thoái kinh tế, không có đủ khả năng để thanh toán tiền lương cho người lao động nên phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động 2012 thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động tuy nhiên trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty bạn phải lập phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động 2012. Nếu không thực hiện được theo phương án sử dụng lao động thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với bạn đồng thời công ty có nghĩa vụ chi trả trợ cấp mất việc làm cho bạn theo quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động 2012:

"Điều 49. Trợ cấp mất việc làm

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm."

Theo như bạn trình bày, thời gian bạn làm việc tại công ty bạn có tham gia đóng bảo hiểm xã hội do đó, công ty sẽ không chi trả trợ cấp mất việc làm cho bạn, bạn sẽ nhận thông qua trợ cấp thất nghiệp. Bạn muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm năm 2013 như sau:

“Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

Công ty ký kết hợp đồng lao động dưới 6 tháng có được không?

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Làm gì khi bị bắt đóng tiền đặt cọc khi ký kết hợp đồng lao động

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.”

Nếu công ty bạn không chứng minh được do khủng hoảng hay suy thoái kinh tế dẫn đến không có khả năng thanh toán tiền lương cho người lao động mà công ty vẫn chấm dứt hợp đồng lao động với bạn chỉ báo trước 12 ngày như vậy công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khi đó công ty bạn phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012 như sau:

"Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn nên làm đơn tường trình gửi tới Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.