Chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường thì xử lý thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32241

Câu hỏi:

Hiện tại, trong khu dân cư nhà tôi sinh sống tại Hà Nội đang xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một hộ gia đình bên cạnh vườn nhà tôi có nuôi mấy chục con heo, không xây hầm biogas và chất thải chăn nuôi được thải thẳng xuống ao, hồ bên cạnh hộ gia đình đó bị bốc mùi hôi thối và mùi hôi thối nồng nặc hơn mỗi lần họ rửa chuồng. Đã nhiều lần hàng xóm tôi lên án, và tôi đã trực tiếp nhiều lần sang hộ gia đình đó kêu cửa nói: 'Anh chị có biện pháp khắc phục chứ làm thế này gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến mọi người xung quanh'. Xong hộ gia đình đó cũng chỉ có biện pháp vệ sinh chuồng trại lại thải thẳng xuống ao bên cạnh nhà. Văn phòng luật Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam cho tôi hỏi: Ở nội thành Hà Nội có được chăn nuôi lợn không và việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe người xung quanh thì có biện pháp xử lý, khắc phục như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật bảo vệ môi trường năm 2014

– Nghị định 179/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí theo quy định tại các Điều Điều 56, Điều 59 và Điều 62 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định như sau:

Nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ để điều hòa nguồn nước.

Hồ, ao, kênh, mương, rạch trong đô thị, khu dân cư phải được quy hoạch để cải tạo, bảo vệ.

– Quy định chung về bảo vệ môi trường đất

Bảo vệ môi trường đất là một trong những nội dung cơ bản của quản lý tài nguyên đất.

Quy hoạch, kế hoạch, dự án và các hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất và có giải pháp bảo vệ môi trường đất.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

Các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát.

Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại Điều 96 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường như sau:

“Điều 96. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường

1. Chất thải rắn thông thường phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý”.

Nếu như trong quá trình thực hiện hoạt động chăn nuôi mà gây ô nhiễm môi trường xung quanh thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp  luật. Điều 19 Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí sẽ bị xử phạt, như sau:

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất gây ô nhiễm ở thể lỏng, bùn, chất thải vệ sinh hầm cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

– Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm.

Xử phạt hành vi chăn nuôi gia cầm gây ô nhiễm môi trường

Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm.

Tại Điều 12 Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường của các đối tượng không phải lập dự án đầu tư bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ hoạt động của mình gây ra; không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra;

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; không có biện pháp hạn chế tiếng ồn, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người;

Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường;

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.

Đồng thời còn bị áp dụng biện pháp bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.

 Và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

>>> Luật sư tư vấn về xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường qua tổng đài: 024.6294.9155

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, hộ gia đình chăn nuôi lợn này không đảm về môi trường theo quy định của Luật môi trường: Đã gây ô nhiễm đến môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí xung quanh khu dân cư. Đối với trường hợp này, bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã xem xét và quyết định xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của hộ gia đình này.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.