Chế độ của thân nhân khi thương binh chết

Ngày gửi: 14/11/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38224

Câu hỏi:

Chào luật sư! Bố tôi mất cách đây 01 tuần. Trước khi mất, bố tôi đang hưởng các chế độ như: Hưu trí, thương binh hạng 4/4, nạn nhân chất độc da cam. Thân nhân bố tôi hiện còn ông bà nội (già trên 85 tuổi và đang hưởng trợ cấp người già hàng tháng) và mẹ tôi đang hưởng lương hưu. Vậy, sau khi bố tôi mất đi, người thân bao gồm ông bà nội và mẹ tôi sẽ được hưởng những chính sách gì? Mong được luật sư tư vấn. Trân trọng cám ơn. 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005.

 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 

 Nghị định 31/2013/NĐ- CP 

 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

 Nghị định 236- HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985

Theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn hiện đang hưởng các chế độ như hưu trí, thương binh hạng 4/4, nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay, bố bạn đã mất, trong trường hợp này, để xác định các chế độ ưu đãi của bố bạn và thân nhân của bố bạn thì cần xem xét các phương diện sau:

  • Chế độ khi thương binh chết:

Trước hết, bố bạn là thương binh loại 4/4, căn theo Điều 6 Nghị định 236 – HĐBT về xếp hạng thương binh thì bố bạn được xác định thuộc diện bị mất sức lao động do thương tật với tỷ lệ từ 21% đến 40%.

Là một thương binh, nên khi bố bạn chết thì thân nhân của bố bạn sẽ nhận được chế độ ưu đãi đối với thân nhân khi thương binh chết theo quy định tại Điều 32 Nghị định 31/2013/NĐ- CP của Chính phủ. Cụ thể, Điều 32 Nghị định 31/2013/NĐ- CP của Chính phủ có quy định: 

“Điều 32. Chế độ ưu đãi đối với thân nhân khi thương binh chết.

1. Khi thương binh chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi…”

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 31/2013/NĐ-CP được trích dẫn nêu trên, thì bố bạn là thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 40% (hạng 4/4) nên khi bố bạn chết, đại diện thân nhân của bố bạn sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp phụ cấp ưu đãi; còn người tổ chức mai táng thì được nhận tiền mai táng phí.

Trong đó, thân nhân của người có công với cách mạng được xác định theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2014 được xác định gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng; con hoặc người có công nuôi dưỡng người có công với cách mạng.

  • Chế độ khi người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học chết.

​Bố bạn là thương binh, nhưng đồng thời cũng được hưởng trợ cấp của nạn nhân chất độc da cam, nên có thể xác định bố bạn là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 thì, khi bố bạn là người nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 40 %, mà chết đi thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân nhận được một khoản trợ cấp.

Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Cũng theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn cũng là người đang hưởng lương hưu, nên căn cứ theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì khi bố bạn chết thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng; và có thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, ông bà nội đã già yếu và vợ đang hưởng lương hưu. Theo quy định của khoản 3 Điều Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì các đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng không thấp hơn mức lương cơ sở, không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định pháp luật về ưu đãi người có công. Trường hợp nếu tiền trợ cấp người cao tuổi của ông bà bạn hoặc tiền lương hưu của mẹ bạn cáo hơn mức lương cơ sở thì sẽ không thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Trong trường hợp này, thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần, mức trợ cấp tiền tuất một lần được tính như sau: nếu bố bạn mất trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu mất vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật chế độ ưu đãi người có công với cách mạng: 024.6294.9155

Điều kiện hưởng BHXH một lần? Đi nước ngoài có được hưởng không?

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, thì:

“Điều 7: 

Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

1. Người có công với cách mạng thuộc hai đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 trở lên được hưởng trợ cấp, phụ cấp đối với từng đối tượng, các chế độ khác được hưởng mức ưu đãi của một đối tượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 10, khoản 5 Điều 26 và khoản 5 Điều 33 của Pháp lệnh này;

2. Người có công với cách mạng chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng theo chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Trường hợp người có công với cách mạng thuộc hai đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh này trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất của một đối tượng.

Trường hợp thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất của hai đối tượng người có công với cách mạng trở lên mà thuộc diện được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng thì được hưởng thêm một suất trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng;

3. Người có công với cách mạng, thân nhân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh này chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản này đồng thời là đối tượng điều chỉnh của Luật bảo hiểm xã hội thì mai táng phí do Bảo hiểm xã hội chi trả.”

Như đã phân tích, bố bạn vừa là thương binh hạng 4/4; vừa là người kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, nên bố bạn được xác định là người có công với cách mạng thuộc hai đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, theo đó, thân nhân người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng theo chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Trường hợp người có công với cách mạng thuộc hai đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng chết thì thân nhân hưởng trj cấp tiền tuất của một đối tượng. Do vậy, khi bố bạn mất đi, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13) thì thân nhân của bố bạn chỉ được hưởng trợ cấp tiền tuất của một đối tượng. Còn về trợ cấp tiền tuất đối với người hưởng chế độ hưu trí hưởng theo chế độ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu trên. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.