Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL30311

Câu hỏi:

Xin quý luật sư cho tôi hỏi: Năm 2004, tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Thống kê Ban CHQS xã. Đến năm 2011, tôi đuợc bổ nhiệm giữ chức vụ Chỉ huy phó Ban CHQS xã. Đến năm 2013, tôi xin nghỉ! Như vậy thi tôi được hưởng những trợ cấp gì? Tôi có được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên không? Có được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất: Phụ cấp thâm niên

Tại Điều 39, Nghị định 58/2010/NĐ-CP (hết hiệu lực 20/02/2016) có quy định về chế độ phụ cấp thâm niên như sau:

"Điều 39. Chế độ phụ cấp thâm niên

Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Chính trị viên phó, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên tính từ khi có quyết định bổ nhiệm chức vụ đến khi thôi giữ chức vụ đó được hưởng phụ cấp thâm niên, mỗi năm công tác bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng."

Tại Điều 4 Thông tư liên tịch 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC có quy định như sau:

Điều 4. Cách tính phụ cấp thâm niên theo quy định tại Điều 39 Nghị định 58/2010/NĐ-CP 

Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Chính trị viên phó và Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác liên tục 5 năm (đủ 60 tháng) tính từ khi có quyết định bổ nhiệm chức vụ được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1% cho đến khi thôi giữ: chức vụ đó. "

Theo thông tin bạn trình bày năm 2004 bạn được bổ nhiệm giữ chức vụ Thống kê Ban Chỉ huy quân sự xã. Đến năm 2011 bạn đuợc bổ nhiệm giữ chức vụ Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã và đến năm 2013 bạn xin nghỉ. Căn cứ theo thông tin bạn trình bày thì thời gian bạn giữ chức Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự xã là từ năm 2011 đến năm 2013, theo đó thì thời gian giữ chức Phó ban chỉ huy quân sự xã của bạn được khoảng 2 năm (Khoảng 24 tháng). Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 58/2010/NĐ-CP thì bạn không đủ điều kiện để được hưởng phụ cấp thâm niên.

Thứ hai: Phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự

"Điều 40. Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự

1. Đối tượng áp dụng: Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (trừ Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đã được bố trí theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP), Trung đội trưởng dân quân cơ động.

2. Mức hưởng phụ cấp bằng 50% mức phụ cấp hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, thâm niên (nếu có), tính từ tháng có quyết định bổ nhiệm đến khi thôi giữ chức."

>>> Luật sư tư vấn đối tượng hưởng chế độ phụ cấp đặc thù: 024.6294.9155

Tại Điều 5 Thông tư liên tịch 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC có quy định như sau:

"Điều 5. Cách tính phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự theo quy định tại Điều 40 Nghị định 58/2010/NĐ-CP 

1. Thời gian hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự tính từ tháng có quyết định bổ nhiệm đến khi thôi giữ chức vụ đó. Trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của cả tháng; giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của tháng đó."

Dựa theo thông tin bạn trình bày và căn cứ theo quy định tại Điều 40 Nghị định 58/2010/NĐ-CP thì bạn sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự. Thời gian tính hưởng sẽ là tính từ thời diểm bạn được bổ nhiệm Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự xã (năm 2011) đến khi thôi giữ chức vụ (năm 2013 thời điểm bạn nghỉ).

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.