Chia di sản thừa kế bằng di chúc miệng

Ngày gửi: 10/09/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL42202

Câu hỏi:

Lời đầu tiên cho tôi xin chân thành cảm ơn toàn thể các bộ công nhân viên công ty luật Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam đã tạo điều kiện cho tất cả mọi công dân được trình bày những công việc mà mình muốn hỏi. Được phép cho tôi xin trình bày sự việc liên quan đến đất đai như sau. Vào năm 2007 bà nội tôi lâm bệnh không may qua đời không để lại di chúc mà chỉ truyền lại bằng miệng cho gia đình tôi và bà con nội ngoại chia khu đất ở thành 3 khu cho chú ruột, anh họ của tôi cũng là cháu đích tôn trong gia đình và tôi. Sau khi bà mất một thời gian thì chú ruột tôi có xây một ngôi nhà mới trên nền đất cho phép của bà nội để lại, còn lại là 2 khu của anh em chúng tôi. Sau quá trình sử dụng thì chú tôi có làm sổ đỏ toàn bộ khu đất đứng tên chú tôi, mà không cho anh em tôi được biết, hiện tại tôi xây dựng một căn nhà trên mảnh đất mà bà tôi để lại cho tôi, chú tôi cũng đồng ý và không có tranh chấp gì cũng như không có giấy tờ viết tay. Vậy trong trường hợp của tôi là đúng hay sai khi xây dựng trên nền đất đó và làm thế nào để có thể tách riêng giữa 3 chú cháu? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự 2005

 Luật Công chứng 2014 

2. Nội dung tư vấn

Di chúc có thể được lập bằng văn bản, nếu không lập được di chúc văn bản thì có thể di chúc miệng. Tuy nhiên di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định.

Theo khoản 5, Điều 652 Bộ luật dân sự 2005, di chúc miệng được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện:

– Phải có ít nhất 2 người làm chứng và những người làm chứng không thuộc một trong các trường hợp: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

– Những người làm chứng ngay sau đó phải ghi chép, cùng kí tên hoặc điểm chỉ vào văn bản đó

– Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng  phải đi công chứng, chứng thực di chúc đó.

Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp thì di chúc miệng mà bà nội bạn để lại chưa thỏa mãn các yêu cầu về tính hợp pháp của di chúc miệng, do vậy di chúc miệng của bà nội bạn không hợp pháp.

Di chúc không hợp pháp, khi người để lại di sản mất sẽ được chia theo pháp luật (Điều 675, Bộ luật dân sự 2005)

Căn cứ theo Điều 676, Bộ luật dân sự 2005, di sản thừa kế sẽ được chia theo hàng thừa kế, những người cùng hàng thừa kế sẽ nhận phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

>>> Luật sư tư vấn pháp luật phân chia di sản thừa kế theo pháp luật: 024.6294.9155

Trường hợp của bạn, di sản của bà nội sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật. Do bạn không nói rõ thông tin về những người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của bà bạn là những ai, nên trong trường hợp này không đủ căn cứ để xác định việc phân chia di sản thừa kế cho chú bạn, bạn và anh bạn là có đúng theo trình tự của pháp luật hay không? Bạn có thể tham khảo các quy định pháp luật về thừa kế nêu trên để áp dụng vào trường hợp của mình có được phân chia di sản thừa kế hay không và phần được hưởng là bao nhiêu? Nếu trong trường hợp bạn thuộc đối tượng được hưởng di sản thừa kế thì phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế. 

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của Luật Công chứng 2014 cụ thể như sau: Người yêu cầu lập hồ sơ yêu cầu công chứng gửi đến tổ chức hành nghề công chứng nơi có bất động sản là di sản thừa kế gồm có; 

– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở;

– Giấy chứng tử

– Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;

– Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh, giấy kết hôn …).

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.