Chiết khấu thương mại và hạch toán chiết khấu thương mại

Ngày gửi: 17/03/2019 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38917

Câu hỏi:

Quy định về chiết khấu. Chiết khấu thương mại và hạch toán chiết khấu thương mại.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Chiết khấu thương mại

Chiết khấu thương mại có thể hiểu là khoản chiết khấu mà doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.

Chiết khấu thương mại có nhiều hình thức thực hiện như chiết khấu thương mại theo từng lần mua hàng, chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua hàng, chiết khấu thương mại sau chương trình khuyến mại. Việc thực hiện xuất hóa đơn, kê khai thuế đối với từng hình thức là khác nhau, tuy nhiên các hình thức chiết khấu thương mại này đều thực hiện theo các quy định chung của pháp luật về chiết khấu thương mại.

Đối với hóa đơn chiết khấu: Theo quy định tại Phụ lục 4, Thông tư 39/2014/TT-BTC:

“2.5. Hàng hoá, dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Nếu việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hoá, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hoá đã bán được tính điều chỉnh trên hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hoá đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hoá đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào”.

Theo đó, nếu doanh nghiệp áp dụng hình thức chiết khấu thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ thì trên hóa đơn GTGT (giá trị gia tăng) ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT. Tùy vào từng trường hợp chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa dịch vụ, chiết khấu lập khi kết thúc chương trình chiết khấu hàng bán thì việc điều chỉnh số tiền chiết khấu sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật.

Đối với thuế giá trị gia tăng:

Theo quy định tại khoản 22, Điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC:

“22. Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.

Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế”.

Theo đó, giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chiết khấu thương mại là giá bán đã chiết khấu thương mại.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: Sau khi hóa đơn được điều chỉnh, bên bán và bên mua điều chỉnh doanh thu mua vào bán ra, và khoản điều chỉnh đó sẽ không kê khai vào thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 024.6294.9155

2. Hạch toán chiết khấu thương mại

Doanh nghiệp thực hiện chiết khấu thương mại hàng hóa, dịch vụ hạch toán chiết khấu thương mại thông qua tài khoản 521. Theo đó, tài khoản 521 dùng để phản ánh khoản chiết khấu thương mại mà doanh nghiệp đã giảm trừ, hoặc đã thanh toán cho người mua hàng do việc người mua hàng đã mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ với khối lượng lớn và theo thoả thuận bên bán sẽ dành cho bên mua một khoản chiết khấu thương mại.

Tùy vào cách thức viết hóa đơn chiết khấu thương mại khác nhau mà sẽ có cách hạch toán khác nhau:

Trường hợp chiết khấu thương mại theo từng lần mua hàng, tức là giảm giá hàng bán ngay trong lần mua hàng đầu tiên:

Đối với bên bán:

Nợ TK 111, 112, 131: Tổng phải thu.

Có TK 511: doanh thu đã giảm chưa có thuế giá trị gia tăng.

Có TK 3331: thuế giá trị gia tăng phải nộp.

Đối với bên mua:

Nợ TK 156: giám mua đã giảm chưa có thuế giá trị gia tăng.

Nợ TK 1331: thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

Có TK 111, 112, 331: tổng thanh toán

Trường hợp chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua hàng, tức là sau nhiều lần mua hàng mới đạt khối lượng hưởng chiết khấu:

Đối với bên bán:

* Phản ánh số chiết khấu thương mại thực tế phát sinh trong kỳ:

Nợ TK 521: số tiền chiết khấu thương mại.

Nợ TK 3331: giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp.

Có TK 131: tổng số tiền chiết khấu.

* Phản ánh doanh thu:

Nợ TK 131: tổng số tiền chưa trừ chiết khấu.

Có TK 511: doanh thu chưa chiết khấu.

Có TK 3331: thuế giá trị gia tăng phải nộp theo doanh thu chưa chiết khấu.

*  Khi nhận được số tiền trên hóa đơn kế toán hạch toán:

Nợ 111, 112: tổng số tiền đã trừ chiết khấu.

Có 131: tổng số tiền đã trừ chiết khấu.

Đối với bên mua:

Nợ TK 156: giá đã giảm chiết khấu.

Nợ TK 1331: thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

Có TK 111, 112, 331: tổng thanh toán đã trừ chiết khấu.

Trường hợp chiết khấu thương mại sau chương trình khuyến mại, tức là sau khi đã xuất hóa đơn bán hàng rồi mới tính toán chiết khấu được hưởng trong kỳ:

Bên bán: Phản ánh số chiết khấu thương mại thực tế phát sinh trong kỳ:

Nợ TK 521: chiết khấu thương mại.

Nợ TK 3331: thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

Có các tài khoản 111, 112, 131…: số tiền chiết khấu thương mại.

Bên mua:

Nợ 111, 112, 131: tổng khoản chiết khấu được nhận.

Có 156: giá mua được giảm.

Có 1331: giảm khoản thuế giá trị gia tăng đã được khấu trừ.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.