Chưa chốt sổ bảo hiểm xã hội có được tiếp tục đóng ở nơi làm việc mới không?
Người lao động có được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tiếp ở Công ty, nơi làm mới khi chưa chốt sổ bảo hiểm xã hội ở đơn vị cũ hay không? Đây là một câu hỏi được nhiều người lao động quan tâm.
Ảnh minh họa
Trước hết cần hiểu bảo hiểm xã hội là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
- Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
…”
Hiện nay, nhiều trường hợp người lao động khi đã làm việc ở công ty, nơi làm việc mới vẫn chưa nhận được sổ BHXH tại công ty, nơi làm việc cũ.
Vậy người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trong thời gian chờ chốt sổ bảo hiểm xã hội? Và người sử dụng lao động có trách nhiệm như thế nào?
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm:
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
[…]
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
Theo quy định nêu trên, trong vòng 14 ngày làm việc hoặc chậm nhất là 30 ngày, người sử dụng lao động phải hoàn thành xác nhận thời gian đóng BHXH (chốt sổ BHXH) và trả lại cho người lao động.
Trường hợp không thực hiện thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01 - 20 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm (theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Quyền lợi của người lao động tham gia đóng BHXH thì như thế nào? Khi chưa chốt sổ BHXH ở công ty, nơi làm việc cũ có được đóng tiếp ở công ty, nơi làm việc mới không?
Hiện nay Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào quy định người lao động chưa chốt sổ ở công ty, nơi làm việc cũ thì không được tham gia BHXH ở công ty, nơi làm việc mới.
Và theo căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động chỉ cần làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Trong đó, người tham gia đã có mã số BHXH chỉ cần khai mã số BHXH cùng các thông tin về họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh,… sau đó nộp để người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH.
Như vậy, dù chưa chốt sổ BHXH tại công ty, nơi làm việc cũ nhưng người lao động vẫn có thể cung cấp mã số BHXH để được đóng nối BHXH tại công ty, nơi làm việc mới.
Tóm lại, việc có chốt sổ BHXH tại công ty, nơi làm việc cũ hay không sẽ không ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tại công ty, nơi làm việc mới.
Trong thời gian chờ chốt sổ, NLĐ vẫn thực hiện đăng ký tham gia BHXH ở nơi làm việc mới theo số sổ BHXH cũ đã được cấp.
Thời gian đã đóng BHXH trước đó được cộng dồn với thời gian tham gia, đóng BHXH sau này để làm căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động.
Lưu ý:
- Nếu công ty không hoàn trả và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn: Bạn có thể gửi đơn khởi kiện tới phòng lao động thương binh và xã hội hoặc Tòa án ND cấp huyện nơi công ty có trụ sở để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Trong thời hạn 14 ngày làm việc hoặc tối đa 30 ngày, công ty sẽ phải hoàn trả sổ BHXH cho bạn.
- Trường hợp công ty không trả đúng thời hạn.Bạn có thể khởi kiện công ty ra tòa án huyện/quận nơi công ty có trụ sở làm việc yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.
Trên đây là một số vấn đề về chốt sổ BHXH, hy vọng sẽ có ích cho các bạn.
BBT. Hệ thống pháp luật Việt Nam