Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CTr-UBND

Lào Cai, ngày 12 tháng 10 năm 2023

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG “GIẢM THIỂU SỬ DỤNG SẢN PHẨM NHỰA DÙNG MỘT LẦN VÀ TÚI NI LÔNG KHÓ PHÂN HỦY TẠI CÁC ĐIỂM CHỢ” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2023

Căn cứ Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 18/02/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”; căn cứ Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 03/4/2023 của UBND tỉnh Lào Cai về việc triển khai Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025” năm 2023. Xét đề nghị của Quỹ Bảo vệ môi trường tại Tờ trình số 01/TTr- QBVMT ngày 09/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Chương trình hành động “Giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các điểm chợ” trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, các sự cố môi trường do sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, túi nilon khó phân hủy gây ra; góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Giới thiệu các biện pháp thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

3. Hỗ trợ các tiểu thương tiếp cận, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện nay; thay đổi hình thức kinh doanh; tác động làm thay đổi thói quen đi chợ của người mua hàng; từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong việc chung tay cùng giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa hiện nay.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

Chương trình hành động “Giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các điểm chợ” trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023 triển khai thực hiện tại 04 điểm chợ, cụ thể:

- Chợ Pom Hán - thành phố Lào Cai;

- Chợ Kim Tân - thành phố Lào Cai;

- Chợ Bản Liền - huyện Bắc Hà;

- Chợ thuộc thôn trung tâm xã Bản Lầu, huyện Mường Khương;

Chương trình nhằm tiếp cận, tuyên truyền đến người dân và các tiểu thương tại các điểm chợ cùng tham gia chống rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng các loại sản phẩm nhựa khó phân hủy bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe và nhu cầu tiêu dùng. Nhằm thực hiện công tác xử lý rác thải nhựa được thu gom tại các chợ dân sinh đảm bảo khoa học không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

III. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN

1. Hoạt động tuyên truyền

1.1. Tài liệu tuyên truyền

- Tăng cường hoạt động tuyên truyền chống rác thải nhựa tại các điểm chợ, hướng đến thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

- Xây dựng tài liệu tuyên truyền về nội dung chống rác thải nhựa bao gồm: áp phích, tờ rơi; thiết kế băng zôn, phướn, poster, pano... với một số khẩu hiệu tuyên truyền như:

“Rác thải nhựa - Hiểm họa môi trường”

“Chung tay chống rác thải nhựa - Làm cho thế giới sạch hơn”

“Hãy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường”

“Hãy nói không với túi nilon khó phân hủy vì một môi trường xanh sạch đẹp”

“Hãy phủ xanh - Đừng phủ trắng Trái Đất”

“Mang giỏ đi chợ - Phong cách của người nội trợ”

“Hãy cùng tôi giảm thiểu túi nilon bạn nhé!”

“Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần”

“Hãy mang theo túi đựng để giảm thiểu túi nilon”

“Nói không với túi nilon khó phân hủy”

“Vui lòng mang hộp để đựng thực phẩm”

“Từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần: Thay đổi nhỏ - Ngàn năm xanh”

“Bỏ rác đúng nơi quy định: Hành động nhỏ - Lợi ích lớn”

1.2. Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền tác hại của việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy đối với sức khỏe con người và môi trường sống.

- Giới thiệu các biện pháp thân thiện với môi trường, thay thế đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

- Nêu rõ trách nhiệm cá nhân, cộng đồng trong công tác chống rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

1.3. Phương thức tuyên truyền

- Tuyên truyền bằng phương pháp treo băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, pano tuyên truyền, phát tờ rơi trực tiếp tại các điểm chợ trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền nội dung trên loa phát thanh của Ban Quản lý chợ hàng ngày.

- Tuyên truyền thông qua hệ thống báo chí, truyền hình của tỉnh và các địa phương; đăng tải trên báo điện tử, báo giấy;

1.4. Tần suất tuyên truyền

Phát trên hệ thống loa phát thanh của Ban Quản lý các chợ về các nội dung tuyên truyền: Tối thiểu 02 lần/tuần.

2. Triển khai mô hình “Chợ dân sinh - Giảm thiểu rác thải nhựa”.

(1) Thành lập Tổ môi trường triển khai mô hình, gồm các thành viên là cán bộ xã, phường, đoàn thanh niên tại địa phương, Ban Quản lý chợ: Nhằm tổ chức, triển khai và duy trì các hoạt động của mô hình tại các điểm chợ.

(2) Quỹ Bảo vệ môi trường bàn giao thùng rác cho Ban Quản lý chợ nhằm thực hiện công tác thu gom rác thải tại các điểm trong khu vực chợ.

(3) Triển khai các hoạt động thuộc mô hình “Chợ dân sinh - Giảm thiểu rác thải nhựa” tại các điểm chợ.

Bao gồm các hoạt động:

- Phát động thường xuyên các đợt vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan môi trường tại các điểm chợ.

- Phát miễn phí áp phích, pano tuyên truyền, tờ rơi cho các tiểu thương treo tại các quầy hàng.

- Tổ chức thường niên các hoạt động tuyên truyền, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn: khuyến khích người dân thu gom các sản phẩm tái chế như chai nhựa, vỏ lon, các vật dụng từ nhựa trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tiến hành tích điểm và được quy đổi ra sản phẩm thân thiện với môi trường.

(4) Duy trì hoạt động mô hình.

Tổ môi trường có nhiệm vụ duy trì các hoạt động mô hình “Chợ dân sinh - Giảm thiểu rác thải nhựa”, cụ thể:

- Duy trì các hoạt động tuyên truyền tại chợ qua phát thanh của Ban quản lý chợ, thường xuyên kiểm tra việc treo áp phích tại các quầy hàng và khu vực chợ.

- Triển khai chương trình “Đổi rác lấy quà” với tần suất 2 tuần/lần, đồng thời triển khai hoạt động dọn vệ sinh tại các khu vực chợ: nhằm tăng cường công tác phân loại rác thải tại nguồn.

- Khuyến khích người dân dùng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như làn, túi vải, túi giấy, túi tự huỷ sinh học…

- Khuyến khích các đơn vị, tiểu thương kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường đối với hoạt động: Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận; Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và môi trường chứng nhận nhãn sinh thái.

3. Tổng kết, phân tích, đánh giá kết quả, xây dựng kế hoạch triển khai chương trình trong các năm tiếp theo.

Tiến hành đánh giá kết quả thu được, phân tích những khó khăn vướng mắc, từ đó đề xuất phương án triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 -2025” trong các năm tiếp theo đối với khu vực chợ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan chủ trì thực hiện: Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai.

Để tổ chức có hiệu quả Chương trình hành động "giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các điểm chợ ” trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023, Quỹ Bảo vệ môi trường có trách nhiệm :

- Xây dựng Kế hoạch, dự toán chi tiết, nội dung tuyên truyền.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện, thiết bị cần thiết triển khai các hoạt động.

- Thành lập Tổ môi trường tại 5 điểm chợ nhằm triển khai các hoạt động và duy trì mô hình “Chợ dân sinh - Giảm thiểu rác thải nhựa”.

- Tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.

2. Phối hợp tổ chức thực hiện:

2.1. Sở Tài nguyên m ôi trường có trách nhiệm phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền, phối hợp thực hiện chương trình “Đổi rác lấy quà”.

2.2. Tỉnh đoàn Lào Cai

- Triệu tập đoàn viên, thanh niên tham gia hưởng ứng Chương trình, hướng đến mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên tuyền viên tích cực trong phong trào “Chống rác thải nhựa” tại địa phương.

- Phối hợp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai các hoạt động chương trình tại các điểm chợ.

- Phân công cán bộ tham gia Tổ môi trường tại các điểm chợ nhằm duy trì mô hình “Chợ dân sinh - Giảm thiểu rác thải nhựa”: Duy trì hoạt động “Đổi rác lấy quà”; quản lý các sản phẩm thân thiện với môi trường phát cho người dân; tiếp nhận các loại rác tái chế, sử dụng để tạo nguồn thu tiếp tục duy trì mô hình hoặc vận chuyển đến các đơn vị xử lý.

2.3. Sở thông tin và truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, giới thiệu nội dung chương trình, các hoạt động tổ chức, duy trì mô hình chợ dân sinh - Giảm thiểu rác thải nhựa.

2.4. UBND huyện Bắc Hà, Mường Khương và thành phố Lào Cai có trách nhiệm triển khai công tác truyền thông về Chương trình “Giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các điểm chợ” trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường và các phòng, ban chuyên môn có liên quan phối hợp tổ chức và đảm bảo các điều kiện cần thiết thực hiện.

2.5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Đài Phát thanh và Truyền hình huyện Bắc Hà, Mường Khương và thành phố Lào Cai phối hợp tổ chức triển khai hoạt động tuyên truyền, đưa tin bài về các hoạt động của Chương trình.

2.6. UBND xã, phường:

- Phối hợp thực hiện treo băng zôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi tuyên truyền, áp phích treo tại các cửa hàng trong khu vực chợ.

- Chỉ đạo Chi đoàn thành niên: Tham gia trong các hoạt động tuyên truyền của chương trình, là những tuyên truyền viên tích cực trong phong trào chống rác thải nhựa. Phối hợp phát các sản phẩm thân thiện môi trường đến các tiểu thương và người dân đi chợ, phối hợp treo băng zôn khẩu hiệu, phát áp phích và tờ rơi tuyên truyền đến tiểu thương và người đi chợ.

- Vận động các tiểu thương ở khu vực chợ tham gia các buổi tuyên truyền chống rác thải nhựa, phối hợp treo áp phích tuyên truyền tại cửa hàng hoặc gian hàng kinh doanh, là những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền đối với người mua hàng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Thay đổi hình thức kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thân thiện với môi trường; ngừng cung cấp các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy.

2.7. Ban Quản lý chợ:

- Phân công cán bộ tham gia Tổ môi trường tại các điểm chợ nhằm duy trì mô hình “Chợ dân sinh - Giảm thiểu rác thải nhựa”;

- Tiếp nhận xe gom rác, thùng đựng rác; chủ động sắp xếp và bố trí vị trí đặt xe gom rác và thùng đựng rác hợp lý;

- Phối hợp với đoàn viên, thanh niên trong công tác thu gom, xử lý rác thải tái chế thu được từ mô hình.

3. Thời gian thực hiện: Quý IV/2023.

Hoàn thiện nội dung kế hoạch, xây dựng nội dung tuyên truyền và chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, triển khai các hoạt động trong nội dung Chương trình và tổng kết, báo cáo.

V. Nguồn kinh phí: Nguồn thu của Quỹ Bảo vệ môi trường.

Căn cứ nội dung Chương trình, Quỹ Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh đoàn Lào Cai, các sở, ngành liên quan; UBND huyện: Bắc Hà, Mường Khương và thành phố Lào Cai; UBND các xã, phường và các Ban Quản lý các chợ có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT. UBND tỉnh;
- Các Sở: TN&MT, Tài Chính, TT&TT;
- Quỹ BVMT;
- Tỉnh đoàn Lào Cai;
- UBND thành phố Lào Cai;
- UBND huyện: Bắc Hà, Mường Khương;
- CVP, PCVP2;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TNMT2.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Hài