BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 116/2006/TT-BNN | Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2006 |
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Để thống nhất trong việc thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định nội dung, tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và hướng dẫn nội dung xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 có hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được quy định tại Điều 3 Nghị định số 66/2006/NĐ-CP và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Giải thích từ ngữ
a) Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
b) Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau.
c) Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.
CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
I. TIÊU CHÍ CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
1. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống
Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt 03 tiêu chí sau:
a) Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;
b) Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc;
c) Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
2. Tiêu chí công nhận làng nghề
Làng nghề được công nhận phải đạt 03 tiêu chí sau:
a) Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn;
b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;
c) Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống phải đạt tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống theo quy định tại Thông tư này.
Đối với những làng chưa đạt tiêu chuẩn a, b của tiêu chí công nhận làng nghề tại điểm 2, mục I, Phần II nhưng có ít nhất một nghề truyền thống được công nhận theo quy định của Thông tư này thì cũng được công nhận là làng nghề truyền thống.
II. THỦ TỤC CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
1. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã) có các ngành nghề quy định tại mục I, Phần II của Thông tư này lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và gửi văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) lên Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp huyện).
2. Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
a) Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống
- Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
- Bản sao giấy chứng nhận huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có).
Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hoá dân tộc của nghề truyền thống.
- Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân của cơ quan có thẩm quyền (nếu có)
b) Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề
- Danh sách các hộ tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
- Bản tóm tắt kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn trong 02 năm gần nhất.
- Bản xác nhận thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
c) Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống
- Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống bao gồm các văn bản quy định tại tiết a và tiết b điểm 2 mục II Phần II của Thông tư này.
- Trường hợp đã được công nhận làng nghề, hồ sơ thực hiện theo quy định tại tiết a điểm 2 mục II Phần II của Thông tư này. Nếu chưa được công nhận làng nghề nhưng có nghề truyền thống đã được công nhận, hồ sơ thực hiện theo quy định tại tiết b điểm 2 mục II Phần II của Thông tư này.
- Những làng chưa đạt tiêu chuẩn a, b của tiêu chí công nhận làng nghề tại điểm 2 mục I Phần II, hồ sơ gồm:
+ Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã;
+ Bản sao có công chứng các giấy chứng nhận huy chương đã đoạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có).
Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hoá dân tộc của nghề truyền thống.
+ Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
+ Bản xác nhận thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước có xác nhận Uỷ ban nhân dân cấp xã.
3. Trình tự xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
a) Uỷ ban nhân dân cấp huyện tập hợp hồ sơ do Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi lên, lập danh sách (kèm theo hồ sơ) trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) xét công nhận trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư này, ra quyết định và cấp giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
4. Thời gian xét công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống
Thời gian xét công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được tổ chức hàng năm do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí quy định tại Thông tư này.
Những Quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước đây, nếu phù hợp với các tiêu chí quy định tại Thông tư này thì vẫn có giá trị và bổ sung thêm những nội dung mới phù hợp với tiêu chí quy định tại Thông tư này.
6. Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
7. Thu hồi giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận sau 05 năm không đạt các tiêu chí quy định sẽ bị thu hồi giấy công nhận.
Uỷ ban nhân dân cấp xã báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện danh sách nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống không đảm bảo các tiêu chí quy định. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp danh sách, gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, thu hồi giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN
1. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được xây dựng theo từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước. Việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thực hiện theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thành quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN
1. Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển ngành nghề nông thôn trên các vùng lãnh thổ, đi sâu phân tích cơ cấu sản phẩm chủ yếu, vùng nguyên liệu, công nghệ, lao động, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng và về môi trường.
2. Phân tích, dự báo các yếu tố phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có phân tích, dự báo đầy đủ yếu tố tác động đến sự phát triển của làng nghề, nhất là về thị trường, yêu cầu về năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ.
3. Xác định vị trí, vai trò của ngành nghề nông thôn đối với kinh tế địa phương và các mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn.
4. Luận chứng các phương án phát triển ngành nghề nông thôn, các sản phẩm chủ yếu và các điều kiện đảm bảo mục tiêu quy hoạch được thực hiện, như: nguồn nguyên liệu, công nghệ, lao động...
5. Xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề với nội dung: bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch; phát triển làng nghề mới.
6. Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách và đề xuất các phương án tổ chức thực hiện.
7. Thể hiện các phương án quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên bản đồ quy hoạch.
III. THỰC HIỆN XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn trong toàn quốc.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Việc xây dựng danh mục các chương trình, dự án đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn có tính toán cân đối nguồn vốn để bảo đảm thực hiện, trong đó có chia ra giai đoạn từ 2007- 2010 và giai đoạn 2010- 2020.
Ưu tiên xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề với các đề án, dự án: bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch và phát triển làng nghề mới gắn với thị trường trong và ngoài nước.
Kinh phí lập quy hoạch, định mức, đơn giá, chi phí cho lập, thẩm định dự án quy hoạch căn cứ theo Điều 8, Điều 9 của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và văn bản hướng dẫn thi hành.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã có quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn cần tiến hành rà soát, điều chỉnh lại theo hướng dẫn của Thông tư này.
2. Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và việc thực hiện các chính sách có liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn.
3. Về chế độ báo cáo
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh sách các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận vào tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
b) Định kỳ vào ngày 15 tháng 12 hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo tình hình phát triển ngành nghề nông thôn tại địa phương cũng như những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị chính sách phát triển ngành nghề nông thôn về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |