Có được ký hợp đồng mùa vụ với giáo viên trung học?

Ngày gửi: 28/07/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38306

Câu hỏi:

Em là giáo viên của một trường trung học cơ sở. Em xin được tư vấn một số vấn đề sau. Tháng 8 năm 2015 em được phòng giáo dục (PGD) xét tuyển làm giáo viên tại trường THCS Tân Dân với hợp đồng từ tháng 8 năm 2015 đến tháng hết tháng 5 năm 2016 (hợp đồng lần thứ nhất) lãnh 85% mức lương. Từ tháng 6 năm 2016 đến tháng hết tháng 8 năm 2016 do hết hợp đồng nên em không nhận được lương 3 tháng hè. Tháng 9 năm 2016 PGD ra quyết định hợp đồng với em làm giáo viên tại trường trên (hợp đồng lần 2) lãnh 85% mức lương hợp đồng từ tháng 9 năm 2016 đến hết tháng 5 năm 2017 . Từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 9 năm 2016 do hết hợp đồng nên em không nhận được lương 3 tháng hè. Tháng 9 năm 2017 PGD ra quyết định hợp đồng không thời hạn với em (hợp đồng lần thứ ba) làm giáo viên cũng ở trường THCS trên, lãnh 85% lương. Đến tháng 5 này, nhà trường yêu cầu em làm hồ sơ hoàn thành thực tập để được hưởng lương 100%. Theo nội dung trình bày ở trên, cho em xin nhờ tư vấn một số câu hỏi: Thứ nhất, theo luật viên chức năm 2010 tại điều 25 quy định các loại hợp đồng làm việc thì không có loại hợp đồng theo mùa vụ 9 tháng. Vậy PGD hợp đồng lần thứ nhất và lần thứ hai đối với em như vậy có đúng hay không? Hay theo luật lao động năm 2010, tại khoản 3 điều 22 quy định “Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác” như vậy việc dạy học thường xuyên từ năm này sang năm khác mà PGD chỉ hợp đồng mùa vụ như vậy có đúng hay không? Và theo như khoản 2 điều 26 luật lao động năm 2012 quy định “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc” vậy thì theo hợp đồng lần thứ nhất và lần thứ hai của PGD chỉ cho em hưởng 85% mức lương như vậy có sai hay không? Thứ hai, Theo luật viên chức 2010 tại khoản điều 27 quy định chế độ tập sự “Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng” hay theo thông tư 05/2016/TT-BGDĐT tại khoản 2 điều 3 quy định “ người trúng tuyển làm giáo viên , giảng viên đã thực hiện giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng từ đủ 12 tháng trở lên không phải thực hiện thời gian tập sự” vậy thì trước hợp đồng lần thứ ba em đã có giảng dạy tại trường 2 năm học (18 tháng), em có phải trải qua thời gian tập sự hay không? Và hợp đồng lần thứ 3 của PGD có đúng hay không? Em xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Luật Viên chức 2010

Bộ luật Lao động 2012 

Nghị định 29/2012/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010 Viên chức được quy định như sau:

“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.” 

Thứ nhất, Về vấn đề kí kết hợp đồng gữa bạn và nhà trường. Trong trường hợp của bạn cần phải chia thành 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Bạn có quyết định tuyển dụng từ phía bên nhà trường. Như vậy bạn là viên chức trong nhà trường.

Căn cứ quy định tại Điều 25 Luật Viên chức 2010 quy định về hợp đồng làm việc:

“1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người trúng tuyển vào viên chức, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 58 của Luật này.” 

Như vậy hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Vì vậy, việc kí kết hợp đồng 1 và hợp đồng 2 của phòng giáo dục là không đúng quy định của pháp luật.

    Trường hợp 2: Bạn làm việc ngoài biên chế, kí hợp đồng lao động với nhà trường. Trong trường hợp này, chịu sự điều chỉnh tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.” 

Có thể thấy hợp đồng giữa bạn và Phòng giáo dục là hợp đồng xác định thời hạn, không phải loại hợp đồng lao động theo mùa vụ. 

Căn cứ quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2012:

“3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.” 

Rõ ràng công việc dạy học là công việc thường xuyên, hàng ngày, từ năm nay sang năm khác, có tính chất thường xuyên ổn định, do vậy việc nhà trường kí hợp đồng 1 và hợp đồng 2 với bạn là không đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, Về vấn đề tiền lương của bạn xác định như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 22 Nghị định 29/2012/NĐ-CP cụ thể :

“1. Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng. Trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự có trình độ thạc sĩ được hưởng 85% mức lương bậc 2, người tập sự có trình độ tiến sĩ được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.” 

Căn cứ quy định tại Điều 28 Bộ luật Lao động 2012 cụ thể:

“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.” 

Như vậy, mức lương 85% chỉ áp dụng trong thời gian tập sự theo Luật Viên chức hoặc thời gian thử việc theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012. Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Như vậy việc cho bạn hưởng 85% lương là không có cơ sở pháp lý.

Thứ ba, Về vấn đề tập sự được quy định như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 27 Luật Viên chức 2010:

“1. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng

Như vậy, việc bạn đã làm việc 18 tháng với đúng yêu cầu vị trí việc làm được tuyển dụng thì không cần phải thực hiện chế độ tập sự nữa.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.