Cố ý gây thương tích có quyền rút lại giấy bãi nại và yêu cầu khởi tố lại không ?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: hs40

Câu hỏi:

Chào luật sư. Gần đây có 3 thanh niên vào nhà và đánh tôi bị thương tích ở đầu, tôi có dùng một cây sắt và đánh lại. Một người bị gãy tay. Tôi có yêu cầu khởi tố sau đó có viết bãi nại vì họ đến xin lỗi. Vậy tôi có bị họ kiện tôi hay không ? Tôi có quyền rút lại giấy bãi nại và yêu cầu khởi tố lại không ? Xin cảm ơn luật sư.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì:

"Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức."

Theo đó, tại Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định:

"Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân."

Như vậy, trong trường hợp của bạn, hành vi những người kia đã thực hiện nếu phạm tội vào khoản 1 Điêu luật này thì khi bạn rút đơn tố cáo, vụ án mới được đình chỉ. Còn nếu thuộc vào các khoản 2, khoản 3, khoản 4 theo quy định của Bộ luật hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tục giải quyết vụ án kể cả bạn có rút đơn hay không.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức. Như vậy, nếu bạn tự nguyện rút đơn thì sau đó bạn không có quyền yêu cầu khởi tố lại.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.