Con cái hư hỏng, bố mẹ có quyền quyết định đưa con vào trại giáo dưỡng?
Ngày gửi: 14/10/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Con cái hư hỏng, bố mẹ có quyền quyết định đưa con vào trại giáo dưỡng? Điều kiện, thẩm quyền, thủ tục đưa trẻ vào trại giáo dưỡng theo quy định.
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội thì tệ nạn xã hội cũng ngày càng nhiều nhất là đối với độ tuổi thanh thiếu niên. Nhiều gia đình không thể thực hiện được việc giáo dục con cái nên có nhu cầu đưa con vào trường giáo dưỡng để cho con rèn luyện. Vậy bố mẹ có quyền tự quyết định đưa con đi, thủ tục như thế nào Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin giải đáp vấn đề này như sau:
1. Khái niệm trại giáo dưỡng
– Đưa vào trường giáo dưỡng được quy định tại Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, theo đó đây là một trong những biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định với mục đích giúp cho họ được học về văn hóa, học nghề, được hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt dưới sự quản lý và giáo dục của nhà trường. thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng kéo dài từ 06 tháng cho đến 24 tháng.
– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là loại tội phạm có tính chất và có mức độ nguy hiểm cho xã hội được xác định là đặc biệt lớn mà theo quy định của Bộ luật Hình sự thì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh này là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.
– Tội phạm rất nghiêm trọng là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội được xác định ở mức độ rất lớn, đồng thời theo đó mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội danh này là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
– Tội phạm nghiêm trọng là loại tội phạm có có hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn đồng thời theo quy định của Bộ luật Hình sự mức cao nhất của khung hình phạt đối với các tội danh này là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.
– Cố ý phạm tội là được xác định khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Người phạm tội đã nhận thức rõ được hành vi của mình là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, đã thấy trước được hậu quả của hành vi vi phạm đó có thể xảy ra trên thực tế, mặc dù người đó không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức là để mặc cho hậu quả xảy ra trên thực tế.
Người phạm tội đã nhận thức rõ được hành vi vi phạm của mình là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, người này đã thấy trước hậu quả của hành vi của mình và ý thức mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
– Vô ý phạm tội được xác định nếu người nào phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Người phạm tội không thấy trước hành vi vi phạm của mình là hành vi có thể gây ra những hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù pháp luật buộc phải thấy trước hậu quả và có thể nhận thấy trước hậu quả đó có thể xảy ra.
2. Điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Các đối tượng sau đây sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cụ thể như sau:
– Đối với những người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi: nếu thực hiện hành vi vi phạm mà có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý của mình gây ra theo quy định tại Bộ luật hình sự.
– Đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:
Khi thực hiện các hành vi vi phạm do lỗi vô ý của mình gây ra mà hành vi đó có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật hình sự.
Khi cố ý thực hiện các hành vi vi phạm mà có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng theo quy định tại Bộ luật hình sự đồng thời người này trước đó đã từng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
– Đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi: nếu trong vòng thời gian 06 tháng mà có từ 02 lần trở lên thực hiện các hành vi vi phạm như lừa đảo, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và người này trước đó đã từng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Như vậy nếu con cái của bạn không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bạn không thể đưa con mình vào trường giáo dưỡng kể cả gia đình bạn mong muốn tự nguyện đưa cháu đi.
Những người không có năng lực trách nhiệm hành chính theo quy định tại khoản 15 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 bao gồm những người mà thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng trong lúc người đó đang mắc các bệnh tâm thần hoặc mắc một số bệnh khác mà làm cho họ mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình;
Những người hiện nay đang mang thai có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
Đối với phụ nữ hoặc là người duy nhất trong gia đình hiện nay đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi mà được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú xác nhận.
4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên.
5. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Việc thu thập các tài liệu, văn bản và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng sẽ do Cơ quan Công an cấp xã giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện, cụ thể như sau:
– Trường hợp người vi phạm là người chưa thành niên vi phạm có nơi cư trú ổn định:
Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm cư trú thực hiện.
Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu, giấy tờ sau:
Bản tóm tắt lý lịch cá nhân người vi phạm;
Tài liệu về việc đã áp dụng các biện pháp giáo dục khác;
Tài liệu chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật của người vi phạm;
Văn bản thể hiện ý kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người vi phạm hoặc ghi nhận ý kiến của cơ quan, tổ chức, nhà trường nơi người chưa thành niên đang học tập hoặc làm việc (nếu có);
Bản tường trình hành vi vi phạm của người vi phạm;
Các tài liệu khác có liên quan đến vụ việc.
– Trường hợp người vi phạm là người chưa thành niên vi phạm nhưng không có nơi cư trú ổn định:
Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng sẽ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật của người đó thực hiện.
Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu, giấy tờ sau:
Biên bản ghi nhận hành vi vi phạm;
Bản tóm tắt lý lịch cá nhân của người vi phạm;
Bản trích lục các tiền án, tiền sự của người này nếu có;
Các tài liệu về những hành vi vi phạm pháp luật của người vi phạm;
Bản tường trình hành vi vi phạm của người vi phạm;
Các tài liệu về việc đã áp dụng các biện pháp giáo dục khác (nếu có);
Văn bản ghi nhận ý kiến của cha mẹ hoặc ý kiến của người đại diện hợp pháp của người vi phạm;
– Nếu người vi phạm là người chưa thành niên do cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp là cơ quan phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật của những người này nhưng do chưa đến mức độ buộc phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc trường hợp phải đưa vào trường giáo dưỡng thì lúc này thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người vi phạm sẽ cơ quan Công an đang thụ lý thực hiện.
Hồ sơ đề nghị bao gồm các văn bản, tài liệu sau:
Bản tường trình của người vi phạm về hành vi vi phạm của mình;
Bản tóm tắt lý lịch cá nhân;
Tài liệu về các biện pháp giáo dục khác đã được áp dụng đối với người này;
Các tài liệu về những hành vi vi phạm pháp luật của người đó;
Văn bản ghi nhận ý kiến của cha mẹ hoặc ý kiến của người đại diện hợp pháp của họ về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dưỡng.
6. Thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
– Cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ, thông báo cho người vi phạm và cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ.
– Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo người vi phạm và cha mẹ hoặc người đại diện của họ đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết.
– Gửi hồ sơ cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày tiếp theo kể từ ngày nhận được hồ sơ sau đó gửi Trưởng công an cùng cấp.
– Trưởng Công an cấp huyện xem xét và ra quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng trong vòng thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ từ Trường Phòng Tư pháp. Tuy nhiên nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì chuyển lại cho cơ quan đã lập hồ sơ ban đầu để tiếp tục việc thu thập tài liệu để bổ sung hồ sơ.
Theo đó hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm các tài liệu sau:
Văn bản của Trưởng công an cấp huyện về việc đề nghị Tòa án nhân dân xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;
Những tài liệu nằm trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đã nêu ở trên.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam