Cộng nối thời gian công tác trong quân đội khi xuất ngũ 1994

Ngày gửi: 14/11/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38229

Câu hỏi:

Tôi nhập ngũ tháng 3 năm 1991 xuất ngũ 19 tháng 4 năm 1994 có được cộng nối thời gian công tác trong quân đội. Sau khi xuất ngũ tôi công tác tại xã phường nơi tôi sinh sống. xin luật sư tư vấn. trân trọng cảm ơn.?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

 

1. Căn cứ pháp lý

– Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

– Nghị định 115/2015/NĐ-CP;

2. Giải quyết vấn đề:

Theo thông tin bạn trình bày, bạn tham gia nhập ngũ tháng 3 năm 1991 và xuất ngũ 19 tháng 4 năm 1994. Sau khi xuất ngũ bạn công tác tại xã phường. Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên trong trường hợp này bạn có thể tham khảo quy định dưới đây để biết mình có được cộng nối thời gian công tác trong quân đội hay không. Cụ thể:

Khoản 5 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:

“5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, trong trường hợp đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Theo khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì được cộng nối thời gian công tác đó làm thời gian tính đóng bảo hiểm xã hội. 

Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội như sau:

“Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15 tháng 12 năm 1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đã được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội:

Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15 tháng 12 năm 1993 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân dân được tính hưởng bảo hiểm xã hội.”

Theo đó, thời gian 3 năm bạn tham gia trong quân đội nếu sau tháng 4/1994 bạn xuất ngũ mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

>>> Luật sư tư vấn bảo hiểm xã hội khi tham gia quân đội: 024.6294.9155

Để được cộng nối thời gian trong quân đội vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bạn cần cung cấp các giấy tờ có liên quan như quyết định tuyển dụng, quyết định xếp, nâng lương, hợp đồng lao động, bảng thanh toán lương… để chứng minh thời gian công tác, mức lương thực tế, đồng thời có văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang quản lý đơn vị xem xét việc truy đóng bảo hiểm xã hội thời gian này. Cụ thể:

Theo quy định tại phụ lục 1 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì trường hợp cấp và ghi xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian công tác trước năm 1995 (không bao gồm người bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc tự ý bỏ việc, bị phạt tù giam trước ngày 01/01/1995), hồ sơ bao gồm:

– Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của người lao động;

– Quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động;

– Các giấy tờ có liên quan khác như: quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác, quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương….;

–  Xác nhận chưa được giải quyết chế độ trợ cấp  thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, bảo hiểm xã hội một lần.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.