Cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi ở quân ngũ

Ngày gửi: 14/11/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38242

Câu hỏi:

Em tôi nhập ngũ năm 1981, năm 1984 chuyển ngành về công ty thực phẩm Hà Nội. Năm 1988 xin nghỉ không lương do không có việc, chưa được hưởng quyền lợi gì. Năm 1994 tiếp tục đi làm và 2015 nghỉ hưu có chế độ lương hưu nhưng chỉ tính chế độ từ năm 1994 đến 2015. Tôi muốn hỏi : 1/ Nếu bây giờ em tôi có đủ giấy tờ chứng minh thời gian công tác từ năm 1981 đến 1988 thì có bổ sung làm lại chế độ hưu trí được không? 2/ Nếu giấy tờ từ năm 1981 đến 1988 bị thất lạc do cơ quan cũ giải tán thì có cách nào giải quyết không? Xin Luật sư tư vấn giúp. Trân trọng

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 

 Nghị định 115/2015/NĐ_CP 

Luật bảo hiểm xã hội 2006 

Nghị định 66-CP ngày 30 tháng 9 năm 1993

Nghị định 43-CP ngày 22 tháng 6 năm 1993

Nghị định 12/CP ngày 26 tháng 1 năm 1995

Nghị định 45-CP ngày 15 tháng 7 năm 1995

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ theo khoản 5, Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội

Căn cứ khoản 6, Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

“Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân”

Em bạn nhập ngũ năm 1981, năm 1984 chuyển ngành về công ty thực phẩm Hà Nội. Năm 1988 xin nghỉ không lương do không có việc, chưa được hưởng quyền lợi gì thì thời gian từ năm 1981 đến năm 1988 được tính cộng nối vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Việc cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP:

“b, Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006

Như vậy em bạn có thời gian công tác gián đoạn cụ thể em bạn nhập ngũ năm 1981, năm 1984 chuyển ngành về công ty thực phẩm Hà Nội. Năm 1988 xin nghỉ không lương do không có việc, chưa được hưởng quyền lợi gì. Năm 1994 tiếp tục đi làm và 2015 nghỉ hưu thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội: 024.6294.9155

Để được cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, em bạn cần chứng minh được việc đã công tác tại quân đội và thời gian xuất ngũ.

Theo quy định, việc xác định thời gian công tác trước 1995 của người lao động muốn được tính hưởng bảo hiểm xã hội phải căn cứ vào hồ sơ, chứng từ gốc. Trường hợp em bạn nếu không còn quyết định phục viên, xuất ngũ và lý lịch quân nhân, giấy tờ từ năm 1981 đến 1988 bị thất lạc do cơ quan cũ giải tán thì có thể thay thế bằng xác nhận thời gian phục vụ trong quân đội của đơn vị cũ (nơi ra quyết định phục viên, xuất ngũ), trong đó ghi cụ thể thời gian, đơn vị công tác, cấp bậc, chức vụ và phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời phải kèm theo các giấy tờ có liên quan để làm cơ sở chứng minh quá trình công tác trong quân đội như: giấy khen, giấy chứng nhận huân chương, huy chương, sổ sức khỏe, giấy gọi nhập ngũ, phiếu quân nhân, lý lịch đảng viên (nếu có)… để cơ quan bảo hiểm xã hội có cơ sở xem xét giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.