Công thức tính, cách tính phụ cấp cho tổ trưởng tổ chuyên môn

Ngày gửi: 15/04/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38563

Câu hỏi:

Kính thưa luật sư! Tôi có một vài thắc mắc mong luật sư giải đáp dùm tôi. Tôi là 1 giáo viên và tham gia đóng bảo hiểm từ ngày 15/11/2010, quá trình lao động và đóng bảo hiểm của tôi liên tục tới tháng 4/2016 tôi nghỉ theo chế độ thai sản. Tôi được hưởng phụ cấp công việc (tổ trưởng) 0,20 bắt đầu từ tháng 8/2015 đến tháng 3/2016 và có đóng bảo hiểm cho phụ cấp công việc. Vào tháng 4/2016 đến tháng 9/2016 trong bảng lương của tôi vẫn có 0,20 đó. Nhưng mỗi khi nhận lương tôi phải đưa cho người làm thay công việc đó 0,20 x hệ số lương cơ bản. Luật sư cho tôi hỏi 6 tháng đó tôi trích 0,20 đó cho người làm thay công việc đó là  0,20 x hệ số lương cơ bản điều đó là đúng với luật hay là sai? Trong thời gian nghỉ thai sản theo chế độ 6 tháng mỗi khi nhận lương tôi thấy đơn vị vẫn trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp theo phẩn trăm lương của tôi. Xin luật sư cho biết điều và khoản quy định khi người lao động nghỉ thai sản không phải đóng các khoản bảo hiểm. Tôi được nâng lương trước thời hạn hệ số 3,06 vào ngày 1/8/2015 nhưng tới tháng 9/2016 tôi mới nhận được quyết định, mà tháng 4/2016 tôi nghỉ thai sản hưởng mức lương với hệ số 2,86. Xin luật sư cho tôi biết, tôi có được nhận tiền trợ cấp thai sản bằng cách truy lĩnh theo chế độ thai sản hay không? Cảm ơn luật sư rất nhiều.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, trong thời gian nghỉ thai sản 6 tháng đó bạn trích phụ cấp 0,20 cho người làm thay công việc đó là 0,20 x hệ số lương cơ bản điều đó là đúng hay sai? 

Theo quy định tại Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT thì tổ trưởng tổ chuyên môn và tương đương không phân biệt hạng trường của trường trung học phổ thương được hưởng phụ cấp 0,25; trường trung học cơ sở và tiểu học là 0,2.

Phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được tính để đóng bảo hiểm xã hội.

Theo như bạn trình bày, bạn là giáo viên, được hưởng phụ cấp chức vụ là 0,2. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản bạn không làm việc tại cơ quan do đó bạn sẽ không được cơ quan chi trả lương hàng tháng mà thay vào đó bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản. Về nguyên tắc trên thang lương, bảng lương bạn vẫn là đối tượng được hưởng phụ cấp chức vụ, tuy nhiên sẽ không chi trả cho bạn bởi bạn không làm việc trong khoảng thời gian hưởng chế độ thai sản, khoản phụ cấp này sẽ chuyển sang cho người đang giữ chức vụ của bạn. 

Thứ hai: Trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?

Căn cứ tiết 1.8 Khoản 1 Điều 38 Quyết định 959/2015/QĐ-BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN như sau:

“1.8 Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng.”

Như vậy, trong khoảng thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, cơ quan và bạn không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội; không được tính vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên vẫn phải đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung 2014:

“Điều 13. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế 

1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau: 

a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;” 

Thứ ba, về việc truy lĩnh tiền bảo hiểm thai sản:

Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).”

Mặc khác, theo quy định tai Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản trong trường hợp sinh con được tính bằng 100% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn được nâng lương trước thời hạn vào ngày 1/8/2015, tới tháng 9/2016 bạn mới nhận được quyết định, tháng 4/2016 bạn nghỉ thai sản. Để xác định xem bạn có được truy lĩnh tiền bảo hiểm thai sản hay không thì cần phải xem xét trong quyết định nâng lương ghi thời điểm được nâng lương vào thời gian nào? Nếu trong quyết định ghi thời điểm nâng lương vào tháng 8/2015 thì bạn được truy lĩnh tiền thai sản theo hệ số lương 3,06, nếu trong quyết định ghi thời điểm nâng lương vào tháng 9/2016 thì bạn không được truy lĩnh tiền thai sản. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.