BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3798/BCT-CNNg | Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2008 |
Kính gửi: | - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về sản xuất, kinh doanh than và các giải pháp xử lý nạn khai thác, chế biến, vận chuyển và kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Thông báo số 109/TB-VPCP ngày 26 tháng 4 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ).
Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý và lập lại trật tự trong khai thác, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn cả nước; đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
1. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động khoáng sản than:
- Chủ động lập và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khoáng sản từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến khâu chế biến, kinh doanh và lưu thông than trên địa bàn; phát hiện và kiên quyết xử lý kịp thời mọi biểu hiện khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán than trái phép. Quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cấp chính quyền và xử lý nghiêm theo thẩm quyền mọi tổ chức, cá nhân có hành vi hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho cán bộ, nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản; vận động nhân dân tích cực cùng tham gia quản lý và bảo vệ tài nguyên than, thông qua các hình thức thích hợp như: ký cam kết không tham gia khai thác, kinh doanh than trái pháp luật, phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền những trường hợp vi phạm.
- Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh:
+ Chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đối với các loại khoáng sản (trong đó có than) thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 56 của Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản.
+ Thống nhất cơ chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong quản lý, bảo vệ tài nguyên than ở các khu vực đã được giao cho TKV quản lý nhưng chưa tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác.
+ Chỉ đạo các Sở, ngành chức năng rà soát, kiểm tra, sắp xếp lại toàn bộ các cơ sở kinh doanh than, các bến cảng tiêu thụ than; kiên quyết xóa bỏ các bến, cảng nằm ngoài quy hoạch, đình chỉ việc kinh doanh than của các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 04/2007/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn điều kiện kinh doanh than.
+ Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng đề án quy hoạch và chính sách hỗ trợ tái định cư để di dời dân ra ngoài ranh giới vùng nhạy cảm, vùng có nhiều khả năng xảy ra hoạt động khai thác than trái phép. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân, nhất là ở vùng có khoáng sản than.
+ Bổ sung nhân lực, kinh phí, phương tiện cho các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên than chưa khai thác.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than:
- Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phân định rõ ranh giới, phạm vi, trách nhiệm quản lý tài nguyên than.
- Tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch và thiết kế đã được phê duyệt trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh than.
- Kiểm soát chặt chẽ nguồn than ở tất cả các khâu khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Kiểm tra chặt chẽ công tác thống kê đo lường tại các mỏ để đảm bảo tính chính xác các số liệu thống kê - báo cáo, qua đó kiểm soát lượng than lưu thông trên thị trường.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm trong khai thác, chế biến và kinh doanh than trái phép trong ranh giới được giao quản lý.
- Đình chỉ ngay các hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than của các đơn vị trực thuộc nếu không có chức năng, không đủ điều kiện và năng lực hoặc có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than.
- Có trách nhiệm phối hợp với địa phương trong thu hút, giải quyết lao động tại chỗ; ưu tiên tuyển dụng, đào tạo và sử dụng lao động là người địa phương tại khu vực có hoạt động khoáng sản than.
- Trong phạm vi thẩm quyền và các quy định của pháp luật, có trách nhiệm hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên than.
- Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng chủng loại than cho các hộ tiêu thụ than lớn thuộc các ngành xi măng, điện, phân đạm, giấy theo hợp đồng đã ký; nghiên cứu, trình Bộ Công Thương phương án cung ứng than trực tiếp đến hộ sử dụng cuối nguồn trên nguyên tắc chi phí vận chuyển (nếu TKV tự đảm nhiệm) không cao hơn các doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa ngoài TKV.
3. Đối với các hộ sử dụng than để sản xuất, kinh doanh
Các hộ sử dụng than có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp về kỹ thuật - công nghệ và quản lý để giảm định mức tiêu hao và nâng cao hiệu quả sử dụng than. Hàng năm, căn cứ kế hoạch sản xuất và định mức tiêu hao than theo công nghệ hiện đang áp dụng, các hộ tiêu thụ được TKV trực tiếp cung ứng than (nhất là các hộ có nhu cầu sử dụng than với khối lượng lớn như xi măng, điện, đạm, giấy) lập kế hoạch chi tiết (nhu cầu, chủng loại, tiến độ giao hàng…) và ký hợp đồng mua bán than với TKV. Cuối năm, khi thanh lý hợp đồng, nếu khối lượng than đã cung ứng không sử dụng hết sẽ được trừ vào kế hoạch năm tiếp theo. Tuyệt đối không được tự ý bán ra ngoài.
4. Các Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương khẩn trương soạn thảo văn bản hướng dẫn, thể chế hóa nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, cụ thể như sau:
4.1. Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Trong tháng 5 năm 2008 hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015, có xét triển vọng đến năm 2025 để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
- Trong quý III năm 2008 hoàn thành việc rà soát, trong trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng xem xét điều chỉnh Thông tư số 05/2007/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn xuất khẩu than; quy định về quản lý nguồn than trôi nổi thu nhặt ở các sông suối, chân bãi thải.
- Đôn đốc TKV làm đầu mối xử lý các vướng mắc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác than cho các doanh nghiệp khai thác than.
4.2. Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì việc rà soát, điều chỉnh định mức tiêu hao than của các hộ sử dụng thuộc các ngành xi măng, điện, phân đạm, giấy.
4.3. Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị và đại diện các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng than của các hộ cuối nguồn, đặc biệt là các hộ sử dụng than lớn nhằm tránh hiện tượng sử dụng than không đúng mục đích, tổng hợp kết quả kiểm tra báo cáo Bộ trưởng trước 30 tháng 6 năm 2008.
5. Vụ Công nghiệp nặng chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và báo cáo định kỳ Bộ trưởng về việc thực hiện văn bản này./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Chỉ thị 21/CT-TTg năm 2015 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 7720/BCT-CNNg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than do Bộ Công thương ban hành
- 3 Thông báo số 109/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về sản xuất, kinh doanh than và các giải pháp xử lý nạn khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 04/2007/TT-BCT hướng dẫn điều kiện kinh doanh than do Bộ Công thương ban hành
- 5 Thông tư 05/2007/TT-BCT hướng dẫn xuất khẩu than do Bộ Công thương ban hành
- 6 Luật Khoáng sản sửa đổi 2005
- 7 Luật Khoáng sản 1996