Cùng lúc có được ký hợp đồng lao động tại hai công ty không?

Ngày gửi: 06/08/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38279

Câu hỏi:

Luật sư cho em hỏi, là nếu em đăng ký hợp đồng với 1 bên rồi mà em muốn làm thêm công việc khác nữa ở 1 khách sạn khác thì ký thêm 1 hợp động nữa vậy có vi phạm luật không ạ? Và em có được đóng đầy đủ BHXH, BHTN, BHYT đầy của bên công việc thứ 2 không ạ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Nghị định số 44/2013/NĐ-CP

Thông tư 111/2013/TT-BTC

2. Nội dung tư vấn:

Bạn có thể giao kết Hợp đồng lao động chính thức cùng lúc với nhiều Công ty. Đối với Công ty bạn giao kết Hợp đồng đầu tiên, cả công ty này và bạn có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ quy định, bạn chỉ cần tham gia đóng BHXH tại 1 công ty.

Đối với công ty bạn giao kết Hợp động thứ 2, nếu bạn làm công việc mang tính chất thường xuyên, thuộc trường hợp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì ngoài khoản lương công ty trả cho bạn theo Hợp đồng, công ty còn có nghĩa vụ thanh toán thêm khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP:

“Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật”.

Đối với nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân, thông thường bộ phận nhân sự của công ty bạn giao kết hợp đồng đầu tiên sẽ kê khai và đóng thuế thu nhập cho bạn. Đối với công ty bạn giao kết hợp đồng thứ 2 thì có thể chia ra thành các trường hợp như sau:

Nếu bạn là lao động thời vụ (Hợp đồng dưới 3 tháng), theo quy định tại mục I, khoản 1, ĐIều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC

“i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”

Nếu thu nhập của bạn trên 2 triệu bạn bị khấu trừ trực tiếp 10%.

Nếu thời hạn Hợp đồng lao động của bạn trên 3 tháng, thay vi ủy quyền cho nhân sự kê khai và nộp thuế bạn có thể tự kê khai và nộp theo cách tính như sau:

1- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công: được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà bạn nhận được từ 02 Công ty trong kỳ tính thuế.

2- Các khoản giảm trừ:

Mức giảm trừ gia cảnh: Đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm. Đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/TT-BTC. Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư số 111/TT-BTC.

3- Trong đó thu nhập tính thuế

TNTT = (Tổng thu nhập chịu thuế – 9.000.000 – 3.600.000* só người phụ thuộc) * Thuế suất

4- Thuế suất thuế TNCN được áp dụng theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại Phụ lục 01/PL-TNCN theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành, không có quy định nào bắt buộc bạn phải thông báo cho công ty cũ và công ty mới về việc bạn đang làm cả hai Công ty.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.