Đã ly hôn rồi, có được phép yêu cầu tăng tiền trợ cấp nuôi dưỡng con?

Ngày gửi: 10/09/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL39943

Câu hỏi:

Đã ly hôn rồi, có được phép yêu cầu tăng tiền trợ cấp nuôi dưỡng con? Thủ tục, hồ sơ yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này. Do đó, sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quyết định của Tòa án. Vậy trong trường hợp đã ly hôn rồi, có được phép yêu cầu tăng tiền trợ cấp nuôi dưỡng con?

I. Căn cứ pháp lý

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

II. Nội dung tư vấn

1. Quy định của pháp luật về việc cấp dưỡng của cha mẹ đối với con cái

Cha mẹ không sống chung với con cái phải có nghĩa vụ cấp dưỡng, người được cấp dưỡng là con chưa thành niên (con chưa đủ 18 tuổi), con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Với mức cấp dưỡng tùy thuôc và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng và nhu cầu sống của người được cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116 Luật hôn nhân gia đình năm 2014

“Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Quy định về việc thay đổi mức cấp dưỡng 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

“Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Do hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng, mức cấp dưỡng hoàn toàn tùy thuộc vào lý do kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu sinh hoạt của người được cấp dưỡng. Điều này đồng nghĩa với việc khi thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng tăng hoặc nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng tăng thì mức cấp dưỡng cũng tăng theo.

Thủ tục yêu cầu tăng mức cấp dưỡng: có hai cách thực hiện để tăng mức cấp dưỡng cho con

– Cách thức thứ nhất đó là hai bên thỏa thuận, người đang trực tiếp nuôi con và người không trực tiếp nuôi con cùng thỏa thuận tăng mức cấp dưỡng theo khả năng và nhu cầu của cả hai bên. Đây là cách giải quyết dễ dàng nhất, ít phức tạp và tránh mất nhiều thời gian.

– Cách thức thứ hai: đó là người có quyền yêu cầu có thể làm đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng lên tòa án nhân dân nơi người đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cu trú, để yêu cầu tòa án xem xét giải quyết về tăng mức cáp dưỡng cho con.

Để tăng mức cấp dưỡng cho con người làm đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện phải có lý do chính đáng và phải cung cấp cho Tòa án những giấy tờ chứng minh họ có đủ cơ sở để yêu cầu tăng mức cấp dưỡng. Ví dụ như thu nhâp của người đang trực tiếp nuôi dưỡng bị giảm sút nghiêm trọng; nhu cầu học tập, sinh hoạt thiết yếu của con tăng lên mà người đang trực tiếp nuôi dưỡng không có khả năng đáp ứng, thu nhập hoặc điều kiện về kinh tế của bên có nghĩa vụ tăng lên một cách đáng kể…

3. Hồ sơ thủ tục về việc thay đổi mức cấp dưỡng 

– Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng.

– Bản sao bản án hoặc quyết định của tòa án.

– Bản sao hộ khẩu hoặc chứng minh thư nhân dân của người làm đơn.

– Giấy tờ chứng minh thu nhập của chồng.

Nộp hồ sơ trực tiếp đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chồng cư trú.

4. Người yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 

Người có quyền yêu cầu thực hiện tăng mức cấp dưỡng gồm:

– Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

-Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

5. Trình tự giải quyết về việc tăng mức cấp dưỡng 

**Nếu không thể tự thỏa thuận để giải quyết tranh chấp các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Căn cứ vào Khoản 5 Điều 28 về tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án

“Tranh chấp về cấp dưỡng”

Và điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp

“a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này”;

Do đó, việc tăng mức cấp dưỡng cho con sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết

Sau khi xác định Tòa án có thẩm quyền, người khởi kiện gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân theo nội tại mục 4 bài viết này, bao gồm:

– Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng/đơn khởi kiện. Việc thực hiện đơn khởi kiện phải đáp ứng các quy định tại điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

– Bản sao bản án hoặc quyết định của tòa án.

– Bản sao hộ khẩu hoặc CMTND của người có yêu cầu.

– Giấy tờ chứng minh thu nhập của chồng .

Nộp hồ sơ trực tiếp đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chồng cư trú.

Tòa án có trách nhiệm cấp ngay người khởi kiện giấy xác nhận đã nhận đơn.

**Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

**Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện có đủ điều kiện thụ lý hay không. Đồng thời, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.

**Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Khi đó, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

**Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.Đối với vụ án do người tiêu dùng khởi kiện thì Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;

b) Tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý vụ án;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện;

d) Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết;

đ) Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường hay thủ tục rút gọn;

e) Danh mục tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện;

g) Thời hạn bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có);

h) Hậu quả pháp lý của việc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện.

Trường hợp nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì kèm theo thông báo về việc thụ lý vụ án, Tòa án gửi cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bản sao tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp.

**Quyền, nghĩa vụ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi nhận được thông báo

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).

Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.