Đang trong thời gian nghỉ phép gặp tai nạn có được hưởng chế độ không?
Ngày gửi: 21/11/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Đang trong thời gian nghỉ phép gặp tai nạn có được hưởng chế độ không? Bị tai nạn trong thời gian nghỉ phép có được coi là tai nạn lao động không?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Trong cuộc sống hiện nay thì việc gặp phải tai nạn là điều không bất cứ ai mong muốn, cách tốt nhất để đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động là tham gia bảo hiểm để được hỗ trợ khi có rủi ro xảy ra trong cuộc sống. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người lao động khi đã có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được hưởng chế độ nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương với các mức theo quy định. Vậy trong trường hợp trong quãng thời gian nghỉ phép mà người lao động gặp tai nạn thì liệu có được hưởng những chế độ gì? Trong bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp các vướng mắc này.
1. Nghỉ hàng năm theo quy định của pháp luật
Theo Bộ luật lao động năm 2019 quy định tại Điều 113 cụ thể như sau:
"1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này."
2. Tai nạn lao động theo quy định của pháp luật
Theo khoản 8 điều 3 của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định như sau:
8.Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Điểm quan trọng nhất để phân biệt tai nạn lao động với tai nạn rủi to là ở chỗ tai nạn đó có gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ của người lao động ( bị tai nạn) hay không. Chỉ được coi là tai nạn lao động khi tai nạn đó xảy ra trong quá trình người lao động thực hiện các nghĩa vụ lao động được pháp luật quy định, nội quy, quy chế của đơn vị sử dụng lao động quy định hoặc theo sự thỏa thuận của hai bên trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Những trường hợp khác đều được coi là tai nạn rủi ro và áp dụng chế độ bảo hiểm ốm đau để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn lao động song chủ yếu là do công tác an toàn lao động không được thực hiện tốt. Sự cố công nghệ như nổ nồi hơi, bình nén khí, bình sinh khí axetylen, thiết bị nâng không đảm bảo an toàn,.. vị trí, tư thế lao động gò bố, trình độ lao động thấp, ý thức kỷ luật lao động kém, tâm lý lao động không ổn định ,.. đều là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tai nạn lao động. Khi bị tai nạn lao đọng, bệnh nghề nghiệp, một mặt người lao động sẽ bị mất hoặc giảm thu nhập từ lao động.
Mặt khác, các chi phí cho đời sống hàng ngày tăng lên đột ngột, thậm chí là xuất hiện nhiều loại chi phí mới. Từ đó nhu cầu được bảo hiểm của người lao động và gia đình họ trong các trường hợp này càng trở nên bức xúc. Ngay sau sự ra đời của chế độ ốm đau, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã xuất hiện trong lịch sử hình thành và phát triển của bảo hiểm xã hội nói chung với ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với trường hợp xảy ra rủi ro trong quá trình lao động gắn liền với nghề nghiệp của người lao động đồng thời thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng lao động và cộng đồng xã hội nói chung.
Như vậy người lao động hoàn toàn có quyền nghỉ phép năm. Đây là quy định nhằm bảo vệ sức lao động của người lao động sau một quá trình dài làm việc, nâng cao năng suất lao động và đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình của người lao động.
3. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
"1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này."
Theo đó hai điều kiện để được các quyền lợi của chế độ tai nạn lao động khi người lao động:
Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên
Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do xảy ra trường hợp tại khoản 1 Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015
Như vậy trong các điều kiện và trường hợp xét hưởng chế độ tai nạn lao động không có trường hợp bị tai nạn trong thời gian nghỉ phép. Vì thế khi người lao động bị tai nạn lao động khi đang nghỉ phép thì sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động.
4. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật
Ốm đau, tai nạn là điều mà hầu như con người không thể tránh khỏi trong cuộc đời của mọi người. Những lúc như vậy, nhu cầu của con người thay đổi một cách cơ bản, kèm theo là sự tăng lên đáng kể về chi phí. Đối với người lao động, sự kiện này được coi là một loại rủi ro trong lao động mà họ gặp phải. Biểu hiện ở chỗ người lao động bị mất thu nhập từ lao động. Con người có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục tình trạng trên. Một trong những biện pháp đó chính là bảo hiểm ốm đau
Theo Điều 25 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định cụ thể về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
"1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền."
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm này. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp bị ốm đau hay tai nạn rủi ro người lao động đều được hưởng bảo hiểm mà họ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật quy định. Điều kiện bảo hiểm ốm đau là tổng hợp các điều kiện về nội dung và điều kiện về thủ tục làm cơ sở cho chi trả bảo hiểm ốm đau.
5. Trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau
a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.
b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo đó, người lao động bị tai nạn trong thời gian nghỉ phép năm sẽ không được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội năm 2014.Như vậy người lao động cũng không đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau khi tai nạn trong thời gian nghỉ phép. Trên thực tế, với những trường hợp như vậy, khi người lao động không được hưởng bất cứ quyền lợi nào từ bảo hiểm thì các doanh nghiệp thường sử dụng quỹ phúc lợi của mình để động viên, thăm hỏi và hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người lao động.
Tuy nhiên, số tiền này thường rất nhỏ và chỉ mang tính chất khích lệ tinh thần. Nhưng dù sao đây cũng là một chính sách đáng ghi nhận của doanh nghiệp và thể hiện sự đồng cảm với tai nạn của người lao động.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam