Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất công nghiệp và giao lưu thương mại toàn cầu, nhãn hiệu không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác nhau mà dần trở thành biểu tượng cho hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp, là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trưởng cũng như là một tài sản kinh doanh có giá trị đặc biệt. Xuất phát từ vai trò đó, việc xác lập và bảo hộ nhãn hiệu đã được ghi nhận và điều chỉnh trong các điều ước quốc tế cũng như pháp luật của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
1. Khái niệm nhãn hiệu
Hiệp định TRIPs là hiệp định đầu tiên có quy định khái niệm cũng như đặc điểm của nhãn hiệu một cách khái quát, toàn diện và mang tính quy chuẩn tại Khoản 1 Điều 15b:
“Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể là nhãn hiệu. Các dấu hiệu đỏ, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó, phải có khả năng được đăng ký làm nhãn hiệu. Trường hợp bản thân các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ tương ứng, các thành viên có thể quy định rằng khả năng được đăng ký phụ thuộc vào tính phân biệt đạt được xác định thông qua quá trình sử dụng. Các thành viên có thể quy định rằng điều kiện để được đăng ký là các dấu hiệu phải là dấu hiệu nhin thấy được”.
Trên cơ sở các điều ước quốc tế đã gia nhập và ký kết, tại Khoản 16 Điều 4 Bộ luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), pháp luật Việt Nam đã đưa ra khái niệm về nhãn hiệu hàng hóa như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau".
2. Pháp luật Việt Nam về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu
Tại Việt Nam, nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng được hai điều kiện quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:
Điều kiện thứ nhất là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Điều kiện này được hiểu là nhãn hiệu đó phải được nhận thức, cảm nhận bằng thị giác của con người thông qua việc nhìn ngắm, quan sát, thấy được. Thông qua những dấu hiệu đó, người tiêu dùng có thể quan sát để phát hiện ra các loại hàng hóa, dịch vụ có gần với nhãn hiệu để có thể lựa chọn cho mình nhãn hiệu phù nhất. Đồng thời, các dấu hiệu không nhận biết được bằng “thị giác” như âm thanh, mùi vị hay không cố định được dưới dạng các yếu tố liệt kê ở trên sẽ bị coi là dấu hiệu không đáp ứng điều kiện bảo hộ.
Ví dụ: Nhãn hiệu dưới dạng chữ viết như nhãn hiệu của nước giải khát Coca-Cola là dòng chữ Coca-Cola màu đỏ trên nền trắng; Nhãn hiệu dưới dạng hình ảnh như nhãn hiệu của hãng ô tô TOYOTA.
Điều kiện thứ hai là nhãn hiệu đó phải có khả năng phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp thuộc khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ. Dễ nhận biết, dễ ghi nhớ được hiểu là khi quan sát thì người tiêu dùng có thể ấn tượng và lưu lại trong trí nhớ của mình, bất kỳ ai khi đã nhìn thấy nhãn hiệu cũng đều dễ dàng nhận biết và phân biệt nhãn hiệu đó với các loại nhãn hiệu khác.
Ví dụ: Nhãn hiệu của hãng hàng không Vietnam Airlines là dòng chữ Vietnam Airlines màu xanh dương đậm và biểu tượng bông hoa sen màu vàng. Biểu tượng bông sen này được coi là dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và có khả năng phân biệt.
Ngoài ra, nhãn hiệu nổi tiếng không phải đăng ký bảo hộ mà sẽ được tự động bảo hộ dựa trên các quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Quỳnh Anh - BBT. Hệ thống pháp luật Việt Na