Định mức lao động của Hiệu trưởng, hiệu phó tham gia giảng dạy
Ngày gửi: 15/01/2020 lúc 11:31:12
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Công văn 8499/BGDĐT-NGCBQLGD.
– Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.
2. Nội dung tư vấn:
1) Căn cứ Điều 7 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông như sau:
“Điều 7. Định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
2. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.”
“Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: số tiết quy định của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần. Để thuận tiện cho các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường vừa trực tiếp tham gia giảng dạy, việc phân công giảng dạy cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường. Nội dung giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể: (1) tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo (các môn học/chủ đề tự chọn); (2) tham gia dạy học môn đạo đức (đối với chương trình giáo dục tiểu học); (3) thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn theo chương trình môn học hoặc dạy thay giáo viên đi học, nghỉ ốm, thai sản, dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ sao cho đảm bảo tổng số tiết dạy quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đúng theo quy định hiện hành.”
– Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non như sau:
“4. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.”
– Như vậy, theo các căn cứ nêu trên, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, số tiết quy định của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.
2) Căn cứ Điều 9 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông như sau:
“Điều 9. Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường
1. Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ nhà trường, chủ tịch công đoàn trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần.
2. Giáo viên kiêm công tác bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 61/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông.
3. Giáo viên kiêm chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường được giảm 2 tiết/tuần.
4. Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân trường học được giảm 2tiết/tuần.
5. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất.”
– Căn cứ Điều 3 Thông tư 08/2016/TT-BGDĐT quy định về chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân như sau:
“Điều 3. Chế độ giảm định mức tiết dạy, giờ dạy
1. Giáo viên trường mầm non
a) Giáo viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách được giảm 06 giờ dạy trong một tuần (quy ra 210 giờ dạy trong một năm học);
b) Giáo viên làm ủy viên ban chấp hành công đoàn; tổ trưởng, tổ phó công đoàn không chuyên trách được giảm 03 giờ dạy trong một tuần (quy ra 105 giờ dạy trong một năm học).
2. Giáo viên trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh
a) Giáo viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách trường tiểu học, trường chuyên biệt cấp tiểu học được giảm 04 giờ dạy trong một tuần (quy ra 140 giờ dạy trong một năm học); Trường trung học cơ sở, trường chuyên biệt cấp trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường chuyên biệt cấp trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh được giảm 03 giờ dạy trong một tuần (quy ra 105 giờ dạy trong một năm học);
b) Giáo viên làm ủy viên ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng, tổ phó công đoàn không chuyên trách trường tiểu học, trường chuyên biệt cấp tiểu học được giảm 02 giờ dạy trong một tuần (quy ra 70 giờ dạy trong một năm học); Trường trung học cơ sở, trường chuyên biệt cấp trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường chuyên biệt cấp trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh được giảm 01 giờ dạy trong một tuần (quy ra 35 giờ dạy trong một năm học);
c) Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, định mức giảm giờ dạy cho giáo viên làm công tác công đoàn không chuyên trách được tính theo định mức giảm giờ dạy cao nhất đã quy định cho mỗi cấp học.
3. Giáo viên trường trung cấp
a) Giáo viên làm chủ tịch công đoàn, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách được giảm 76 giờ dạy trong một năm học;
b) Giáo viên làm ủy viên ban chấp hành, tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn không chuyên trách được giảm 38 giờ dạy trong một năm học.
4. Giảng viên trường cao đẳng, học viện, trường đại học và đại học
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, hàng năm, Hiệu trưởng (Giám đốc) cùng với Ban chấp hành công đoàn thống nhất phương án quy định thời gian được sử dụng làm công tác công đoàn cho giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ của giảng viên (giảng dạy, nghiên cứu khoa học và làm các công việc khác) và quy định về tự chủ của đơn vị. Nếu chọn phương án giảm giờ nghiên cứu khoa học hoặc làm các công việc khác thi theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Công đoàn. Nếu chọn phương án giảm định mức giờ dạy thì theo quy định sau:
a) Giảng viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách được giảm 44 giờ dạy trong một năm học;
b) Giảng viên làm ủy viên ban chấp hành, tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn không chuyên trách được giảm 22 giờ dạy trong một năm học.”
– Căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả tiền lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập như sau:
“- Định mức giờ dạy/năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (gọi tắt là Tổng phụ trách); giáo viên là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (gọi tắt là cán bộ Đoàn, Hội) ở cơ sở giáo dục phổ thông = (Định mức tiết dạy/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách; cán bộ Đoàn, Hội) x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học);”
Như vây, chế độ giảm định mức giờ dạy và định mức giờ dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở cơ sở giáo dục công lập được quy định theo các căn cứ nêu trên tùy vào từng trường hợp và cấp bậc các cơ sở giáo dục công lập khác nhau.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam