Đòi lại tài sản bị trộm cắp như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40727

Câu hỏi:

Tôi bị kẻ gian lấy mất xe ô tô, tôi đã ra trình báo Công an phường, Sau đó tôi đi tìm và phát hiện được xe, tôi báo công an thu giữ, đã 1 tháng Công an không trả lại xe cho tôi, trong khi xe tôi đầy đủ giấy tờ, vậy tôi phải làm thủ tục gì, và nếu khởi kiện thì tôi gửi đơn kiện tới đâu. Xin cảm ơn. 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật tố tụng hình sự 2003

* Nội dung:

Vì xe của bạn bị một người lấy trộm xe và sau đó tìm lại được chiếc xe đó nên trường hợp này xác định có yếu tố hình sự, do vậy cần điều tra, xác minh nên xe của bạn sẽ được coi là vật chứng theo Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 như sau:

“Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.”

Việc xử lý vật chứng theo Điều khoản 1, khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 như sau:

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.”

Như vậy, tài sản là vật chứng chỉ được trả lại khi vụ án bị đình chỉ hoặc vụ án đã được giải quyết.

Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 76, Bộ Luật tố tụng hình sự quy định "Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.", do đó thời gian tạm giữ xe máy của bạn sẽ do cơ quan điều tra xem xét và quyết định mà không có quy định cụ thể nào về thời gian tạm giữ tang vật trong các giai đoạn tố tụng.

–  Giai đoạn điều tra: Đối với trường hợp của bạn. tình tiết không phức tạp nên thời hạn không quá ba tháng (Theo Khoản 1, Điều 119, Bộ luật tố tụng hình sự); Trong giai đoạn này thì cơ quan Công an có quyền xem xét trả vật chứng cho người bị hại;

–   Giai đoạn truy tố: Theo Khoản 1, Điều 166, Bộ Luật tố tụng hình sự: 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng. Trong giai đoạn này Viện kiểm sát có quyền xem xét trả vật chứng cho người bị hại.

–   Giai đoạn xét xử: Theo Khoản 2 Điều 176, Bộ luật tố tụng hình sự. Thời hạn chuẩn bị xét xử: Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử. Trong giai đoạn này Tòa án có quyền xem xét trả vật chứng cho người bị hại.

Trường hợp này bạn có thể làm đơn yêu cầu trả lại tài sản gửi đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trả lại tài sản (đối chiếu trường hợp của bạn vụ án hình sự đến giai đoạn nào thì cơ quan đó có thẩm quyền). Sau khi nhận được đơn, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nếu thấy việc trả lại tài sản không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án thì sẽ trả lại cho bạn. Ngược lại, nếu xét thấy không thể trả lại tài sản ngay cho bạn thì bạn phải chờ đến khi vụ án được xét xử hoặc bị đình chỉ. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.