Dược sỹ làm việc tại bệnh viện lao có được hưởng phụ cấp độc hại không?

Ngày gửi: 17/01/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38538

Câu hỏi:

Xin chào luật sư! Hiện tôi đang làm việc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Được biết theo Thông tư 07/2005/TT-BNV và Công văn số 6608/BYT-TCCB về chế độ độc hại đối với người phục vụ bệnh nhân lao có quy định mức phụ cấp 0.1 đối với người gián tiếp phục vụ (như kế toán, hành chính); mức phụ cấp 0.4 đối với người trực tiếp phục vụ ( như bác sỹ, điều dưỡng). Vậy đối với Dược sỹ trực tiếp cấp thuốc cho bệnh nhân lao, điều đưỡng đón tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân đầu vào, nhận giấy tờ và nhập máy, và kế toán trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân ra vào viện hàng ngày thì được tính là ở mức phụ cấp nào ạ. Hiện tại ở bệnh viện của tôi những trường hợp này Giám đốc cho là không “trực tiếp chăm sóc” cho bệnh nhân nên chỉ cho hưởng mức 0.1. Mong nhận được tư vấn ạ. Xin cảm ơn.?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

 

1. Căn cứ pháp lý

– Thông tư 07/2005/TT-BNV

– Công văn số 6608/BYT-TCCB

2. Nội dung tư vấn:

Bạn nêu, hiện bạn đang làm việc tại bệnh viện lao và bệnh phổi. Và ở bệnh viện của bạn thì những trường hợp như dược sỹ trực tiếp cấp thuốc cho bệnh nhân lao, điều đưỡng đón tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân đầu vào, nhận giấy tờ, nhập máy và kế toán trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân ra vào viện hàng ngày được Giám đốc xác định là không “trực tiếp chăm sóc” cho bệnh nhân nên chỉ hưởng mức 0.1. Trong trường hợp này, Giám đốc bệnh viện bạn xác định như vậy là không sai. Bởi vì:

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương. Căn cứ Khoản 2 Mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV quy định về mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

– Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:

Người lao động tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.

Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.

Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật về phụ cấp độc hại cho dược sỹ: 024.6294.9155

Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

– Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm nêu trên. Điều này có nghĩa là cán bộ, công chức, viên chức muốn hưởng phụ cấp độc hại hệ số 0,4 thì phải làm việc trong môi trường có cả 4 yếu tố độc hại, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, theo điểm 1 Công văn số 6608/BYT-TCCB về vấn đề chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, viên chức ngành y tế có quy định như sau: Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với người gián tiếp phục vụ bệnh nhân tâm thần, lao, truyền nhiễm, phong. Còn đối với người trực tiếp phục vụ bệnh nhân mắc bệnh HIV/AIDS, bệnh dại, bệnh truyền nhiễm, bệnh lao ở các bệnh viện, viện chuyên khoa, các khoa truyền nhiễm và khoa lao ở các bệnh viện đa khoa thì họ sẽ được hưởng mức 4, hệ số 0,4

Như vậy, theo quy định trên và đối chiếu với trường hợp bạn hỏi dược sỹ là người cấp thuốc cho bệnh nhân lao, điều dưỡng đón tiếp, kế toán thì những người này không phải lúc nào cũng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao mà họ phục vụ những người này một cách gián tiếp có thể thông qua người nhà hoặc bạn bè của họ. Do đó, những người như dược sỹ, điều đưỡng và kế toán sẽ được xác định là người gián tiếp phục vụ cho bệnh nhân lao phổi nên mức hưởng phụ cấp độc hại mà những người này được hưởng là mức 1, hệ số 0,1.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.