Ghi hộ lô đề có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Ngày gửi: 31/03/2019 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL41395

Câu hỏi:

Tôi có tham gia làm tịch đề cho người ta. Tôi đã nghỉ được 2 tháng thì họ bị bắt. Bây giờ công an điều tra và lấy lời khai của tôi. Tôi nghỉ rồi thì có bị khởi tố không? Tiền phạt hành chính nếu tôi không nộp vì không có khả năng thì có bị gì?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009

Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP

Thông tư 105/2014/TT-BTC

2. Nội dung tư vấn

Ghi số đề là một trong những hình thức tổ chức đánh bạc.

Theo Điều 249 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:

“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Theo Điều 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP:

“1. Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây là “với quy mô lớn”:

a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại… để trợ giúp cho việc đánh bạc;

c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.

2. Người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức được hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” nhưng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.”

Trong trường hợp của bạn, bạn tham gia ghi số đề cho cho người khác. Hiện nay, người đó bị bắt và công an lấy lời khai của bạn. Do bạn không triinhf bày rõ về tổng số tiền dùng để đánh bạc là bao nhiêu, vậy nên, chúng tôi chia thành 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Nếu khi ghi số đề cho người khác, bạn có các hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP thì hành vi của bạn sẽ cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

Trường hợp 2: Khi ghi số đề cho người khác, nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì tuy bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.

Mặc dù bạn đã dừng việc ghi số đề được 2 tháng nhưng do bạn đã thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật, do đó, bạn vẫn có thể bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc hoặc đồng phạm tội đánh bạc.

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 153/2013/TT-BTC: “Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt.”

>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 024.6294.9155

Theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 105/2014/TT-BTC, số ngày nộp chậm được tính như sau:

“a) Trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày giao nhận quyết định xử phạt theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính;

b) Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật bưu chính.

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử phạt không có xác nhận ngày giao nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định tại điểm a, b khoản này, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt theo quy định tại điểm d khoản này thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 12 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp người nộp phạt chứng minh được ngày nhận quyết định xử phạt và việc chứng minh là có cơ sở thì Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà người nộp phạt đã chứng minh;

d) Đối với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt tính tiền chậm nộp phạt.

đ) Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt, thì các đơn vị Kho bạc Nhà nước nơi thu phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt và ghi rõ trên biên lai thu phạt số tiền chậm nộp tính đến ngày nộp tiền mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt chưa nộp”.

Do vậy, nếu bạn không nộp tiền phạt vi phạm hành chính thì bạn sẽ phải nộp thêm tiền phạt do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền phạt do chậm thi hành này sẽ được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 105/2014/TT-BTC nêu trên.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.