Giáo viên có phải xin phép khi muốn đi du lịch nước ngoài không?

Ngày gửi: 19/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38779

Câu hỏi:

Xử lý trường hợp giáo viên tự ý đi nước ngoài không xin phép? Giáo viên đi du lịch nước ngoài có phải xin phép không? Quy định về việc đi nước ngoài của giáo viên, viên chức?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Giáo viên cũng như những người lao động khác đều được bố trí thời gian nghỉ ngơi theo quy định của luật bao gồm: thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng, nghỉ hè. Trong thời gian nghỉ ngơi nhiều giáo viên có nguyện vọng ra nước ngoài du lịch, nhưng vì họ là viên chức, Đảng viên nên còn nhiều người còn e ngại. Vậy một câu hỏi đặt ra khi họ là giáo viên có được phép ra nước ngoài du lịch không? có cần phải xin phép ai không? Sau đây Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin trình bày Giáo viên có phải xin phép khi muốn đi du lịch nước ngoài không?

1. Đi nước ngoài là gì?

“Đi nước ngoài về việc công”: là việc cấp có thẩm quyền cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ, chức năng chuyên môn của cơ quan, đơn vị; nhiệm vụ chính trị của nhà nước; phục vụ lợi ích phát triển của cơ quan, đơn vị, đất nước bao gồm: đào tạo, bồi dưỡng, tham dự các khóa học ngắn hạn và dài hạn, các lớp tập huấn, hoạt động chuyển giao công nghệ, tham quan, khảo sát, thực tập chuyên môn, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, hội nghị, hội thảo,…

“Đi nước ngoài về việc riêng”: là việc cấp có thẩm quyền cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài vì mục đích cá nhân không liên quan đến hoạt động công vụ, nghề nghiệp, chức vụ, chức danh mà cá nhân đó đang đảm nhiệm trong cơ quan, tổ chức thuộc nhà nước để: du lịch, thăm gia đình, thăm người thân, chữa bệnh,…

. “Đi nước ngoài theo Đoàn”: là việc cấp có thẩm quyền cử, cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài theo Đoàn có từ 02 người trở lên, đi cùng một khoảng thời gian và cùng mục đích công tác.

2. Quy định chế độ nghỉ ngơi của giáo viên

Căn cứ theo quy định của điều 13 Luật viên chức 2010 về quyền nghỉ ngơi của giáo viên cụ thể như sau:

Điều 13. Quyền của viên chức về nghỉ ngơi

1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.

2. Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.

4. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, theo quy định của luật , giáo viên có chế độ nghỉ ngơi như những người lao động khác, nên giáo viên có quyền dùng thời gian nghỉ ngơi này đi du lịch. Tuy nhiên theo quy định tại điều 19 Luật viên chức 2010 quy định về các trường hợp mà giáo viên là viên chức không được làm như sau:

Điều 19. Những việc viên chức không được làm

1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.

2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.

3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.

5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

Như vậy, giáo viên có thể đi du lịch theo chế độ nghỉ ngơi nhưng không được vi phạm vào các hành vi viên chức không được làm theo quy định của luật

3. Quy định về giáo viên ra nước ngoài du lịch

Hiện tại pháp luật không có quy định về việc công dân đi nước ngoài thì phải xin phép. Và tại quy định tại Luật viên chức 2010 hiện hành cũng không có quy định cấm viên chức đi du lịch nước ngoài, hoặc đi nước ngoài thì phải xin phép. Nhưng nếu giáo viên đó là đảng viên đi du lịch nước ngoài đó là đảng viên, mà không xin phép thì sẽ bị xử lý kỷ luật về đảng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 19 Luật Viên chức, những việc giáo viên không được làm gồm:

Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; Gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc, tham gia đình công;

– Những việc khác không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Có thể thấy, pháp luật về viên chức không có quy định cấm giáo viên đi nước ngoài hoặc nếu đi nước ngoài thì phải xin phép. Nhưng khi đi nước ngoài du lịch bắt buộc phải tiết kiệm, không được lãng phí…

Mặt khác, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 127/2018/NĐ-CP, ngoài việc phải thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản liên quan, giáo viên còn chịu sự quản lý và tuân thủ các quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tại địa phương mình.

Nghỉ bù đối với giáo viên sinh con vào thời gian nghỉ hè

Riêng vấn đề đi du lịch nước ngoài của giáo viên, một số tỉnh, thành phố yêu cầu bắt buộc phải xin phép; điều này được ban hành trong các  quyết định về việc quản lý viên chức khi đi nước ngoài. Ví dụ:

Ngày 29/10/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 4050/GDĐT-TC quy định về hồ sơ đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, nếu giáo viên đi nước ngoài vì việc riêng như tham quan, du lịch, thăm người thân… thì phải có:

– Đơn xin phép đi nước ngoài;

– Đơn cam kết về việc đi nước ngoài có xác nhận của thủ trưởng đơn vị “Đồng ý cho ông/bà (họ và tên) nghỉ phép, nhà trường sắp xếp và không phân công nhiệm vụ trong thời gian nghỉ phép”.

Không chỉ vậy, tại Điều 4 Quyết định 12/2018/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cấm viên chức tự ý đi nước ngoài mà không xin phép cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền; tự ý đi nước ngoài trước khi được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền…

Như vậy, tùy vào tình hình và quy định của từng địa phương, giáo viên có thể phải xin phép các cấp lãnh đạo nếu muốn đi du lịch ở nước ngoài

4. Kỷ luật giáo viên khi đi du lịch nước ngoài không xin phép

 Kỷ luật giáo viên là Đảng viên khi ra nước ngoài du lịch không xin phép  quy định Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành về việc vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài cụ thể như sau:

Giáo viên nghỉ thai sản trùng nghỉ hè, có được nghỉ bù không?

Điều 26. Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước, ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

b) Nhận làm việc trong các cơ quan, tổ chức hoặc với cá nhân người nước ngoài mà không báo cáo với tổ chức đảng có thẩm quyền.

c) Có mối quan hệ mật thiết với người nước ngoài, nhưng không báo cáo theo quy định.

d) Tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt.

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Có tiền, kim loại quý, đá quý, các giấy tờ có giá trị như tiền đang gửi ở ngân hàng nước ngoài trái quy định của Nhà nước.

b) Chuyển tiền, tài sản cho người nước ngoài ra nước ngoài trái quy định.

c) Làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân nước ngoài gây hại đến lợi ích quốc gia.

d) Liên doanh, liên kết, đầu tư vốn dưới mọi hình thức với cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo hoặc khi chưa được sự đồng ý của tổ chức đảng có thẩm quyền.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi chống Đảng, Nhà nước, làm phương hại đến lợi ích quốc gia.

b) Biết nhưng vẫn nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức có hoạt động chống Đảng và Nhà nước.

c) Đồng tình, bao che, tiếp tay cho hoạt động của người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài chống Đảng và Nhà nước.

d) Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hiện vật thuộc phạm vi bí mật của Đảng và Nhà nước cho nước ngoài, cho cá nhân và tổ chức chính trị thù địch, phản động dưới mọi hình thức.

đ) Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị thù địch, phản động nước ngoài

Như vậy điều 26 của Quy định 102-QĐ/TW thì  Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:Tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt.

=> Như vậy, theo quy định trên thì đảng viên đi nước ngoài du lịch hoặc một lý do khác mà không phải thực hiện nhiệm vụ mà không xin ý kiến và đồng ý của cấp ủy đảng quản lý thì có thể sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.