Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú có phải trực đêm không?

Ngày gửi: 16/01/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33921

Câu hỏi:

Tôi là giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở. Tôi muốn hỏi có văn bản nào quy định giáo viên trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở phải đi trực quản sinh không? Hiện giờ trường tôi dạy các giáo viên đã dạy đủ định mức theo quy định nhưng nhà trường vẫn phân công giáo viên đi trực thay nhau cả ngày và cả đêm ngủ tại trường. Như vậy có đúng quy định không? nếu đúng thì căn cứ văn bản nào??

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Lao động 2012

Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT

Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT

– Luật viên chức 2010 

Theo thông tin bạn cung cấp bạn là giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở. Theo đó, căn cứ theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT Ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định tại khoản 1 Điều 31 về nhiệm vụ của giáo viên như sau:

“Điều 31. Nhiệm vụ của giáo viên trường trung học

1. Giáo viên bộ môn có những nhiệm vụ sau đây:

a) Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục; tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng;

b) Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương;

c) Rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục; vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh;

…”

Theo đó, giáo viên có nhiệm vụ dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương,…Ngoài các nhiệm vụ đó tại khoản 2 Điều 31 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm như: xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm học sinh, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp và của từng học sinh; thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng; Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, với các giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh lớp mình chủ nhiệm và góp phần huy động các nguồn lực trong cộng đồng phát triển nhà trường;..

Và tại khoản Điều 5 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT quy định về Thời gian làm việc và thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông như sau:

37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Như vậy, theo hệ thống pháp luật giáo dục hiện hành về nhiệm vụ cũng như chế độ làm việc của giáo viên, thì không có quy định nào quy định rằng giáo viên phải trực quản sinh. Do đó, không có quy định cụ thể về việc bạn là giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở thì bạn phải trực cả ngày lẫn đêm và ngủ tại trường.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật nhiệm vụ của giáo viên trung học: 024.6294.9155

Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, nhà trường có thể điều động giáo viên làm thêm giờ trong các trường hợp theo quy định của Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2012:

“2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.”

Theo đó, trong trường hợp đặc biệt người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong trường hợp thực hiện công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa. Do đó, mặc dù không có quy định nào quy định giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở phải trực quản sinh, trực cả ngày lẫn đêm ngủ tại trường nhưng khi cần thiết nhà trường có thể điều động giáo viên làm thêm giờ để thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tài sản của cơ quan, tính mạng cuả học sinh,…

Trong trường hợp giáo viên được điều động làm thêm giờ thì sẽ được hưởng các quyền về tiền lương và các chế độ liên quan tới tiền lương theo quy định của khoản 2 Điều 12 Luật viên chức 2010 như sau:

“Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương.

2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập…”

Vì vậy, căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường mà trong trường hợp cần thiết nhà trường có thể điều động giáo viên làm thêm giờ, trực đêm tại trường để thực hiện các công việc nhằm đảm bảo về tính mạng của học sinh nội trú, tài sản của cơ quan, hay nhằm phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, thảm họa. Mặc dù không có quy định cụ thể rằng giáo viên trường nội trú phải trực quản sinh nhưng trong trường hợp đặc biệt có sự điều động của nhà trường thì bạn không được từ chối. Và giáo viên khi làm thêm giờ thì được hưởng các chế độ về tiền lương theo quy định của pháp luật.

Nghỉ bù đối với giáo viên sinh con vào thời gian nghỉ hè

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.