Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41123

Câu hỏi:

Em có một người em họ tên Phương (giới tính nam). Phương hiện đang sinh sống tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ba ngày trước, Phương nhận được cuộc gọi từ một người em họ. Trong điện thoại, người em kia nói rằng hiện đang bị một số thanh niên địa phương chặn đường hâm doạ nên không thể đến trường, mong rằng Phương có thể đến giải hoà. Sau đó, Phương cùng người em kia đến một địa điểm mà những thanh niên hay tụ tập, với mục đích hoà giải. Nhưng khi vừa đến, chưa kịp xuống xe, thì đám thanh niên kia đã mang hung khí ào đến, khiến Phương và đứa em hoảng hốt bỏ xe chạy bộ. Trong quá trình chạy, Phương liên tục kêu cứu những người xung quanh nhưng không được sự hỗ trợ, trong khi đám thanh niên rất hung hăng và có mang theo vũ khí như dao, mã tấu, gậy đuổi cận kề. Phương nhìn thấy một cây kéo nhọn trên bàn, phía trước nhà của bác Hai, Phương cầm lấy thì đám thanh niên kia đuổi kịp. Phương chống trả trong vô thức với mục đích tự vệ và sống sót. Trong quá trình đó, cây kéo của Phương cầm trong tay đã vô tình gây ra thương tích cho một thanh niên. Sau khi chống trả được một khoảng thời gian ngắn, Phương chạy thoát và trốn vào nhà của một người quen. Thanh niên bị thương được đưa đến bệnh viện và tử vong ngay sau đó. Công an vào cuộc, khám nghiệm tử thi và tiến hành lấy lời khai những người xung quanh và bắt giam Phương ngay trong đêm. Lúc Phương chạy thoát, Phương vẫn chưa hay biết rằng có một thanh niên đã bị thương, càng không biết được đã có người chết do mình gây ra. Nên khi bị công an bắt, Phương không hề trốn chạy. Thông tin bổ sung:Qua khám nghiệm tử thi, thanh niên tử vong bị đâm 2 nhát bằng kéo. Phương hiện được 16 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tá túc tại nhà bà ngoại. Phương có một người chị ruột 21 tuổi.Gia đình bị hại có đưa đơn mong muốn Phương nhận án tử hình. Vậy em xin Anh/Chị tư vấn: Mức án tối đa mà Phương phải nhận. Mức tiền phải bồi thường cho gia đình người bị hại. Ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường trong lúc Phương đang chấp hành án phạt trong trường hợp cả cha, mẹ của Phương đã chết. Và có thể làm những gì để giảm nhẹ hình phạt cho Phương.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Mức án tối đa mà Phương phải nhận

Điều 15 Bộ luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, hành vi của Phương đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định trên.

Điều 96 Bộ luật hình sự quy định về Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:  

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

Căn cứ theo quy định trên, trường hợp của Phương, Phương có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự. Như vậy, mức án tối đa mà Phương có thể phải chịu là phạt tù hai năm.

2. Mức bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại

Căn cứ Điều 610  Bộ luật dân sự 2005 và mục 2 phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 08/7/2006 có quy định thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc cho người bị thiệt hại trước khi chết.
  • Chi phí cho việc mai táng bao gồm : các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…
  •  Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết:

Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.

Ngoài ra, người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại, nếu không có những người này thì người mà người bị hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Như vậy, trong trường hợp của bạn thì căn cứ vào các quy định trên để xác định mức bồi thường mà bạn Phương phải bồi thường.

3. Người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 606  Bộ luật dân sự 2005  như sau:

“Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì  phải tự bồi thường.

2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha,mẹ thì cha,mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha,mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu,trừ trường hợp quy định tại điều 621 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha,mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên,người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”

Như vậy, với thông tin bạn cung cấp, Phương sẽ phải bồi thường bằng chính tài sản của mình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 67  Bộ luật dân sự 2005 người từ đủ 15-18 tuổi không còn cha mẹ không buộc phải có người giám hộ. Nếu Phương không có đủ tài sản để bồi thường mà có người giám hộ thì người giám hộ được dùng tài sản của họ để bồi thường nhưng nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì họ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

4. Có thể làm những gì để giảm nhẹ hình phạt cho Phương

Điều 46 Bộ luật hình sự quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;  

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác."

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, để có thể được giảm nhẹ tội, Phương nên có thái độ ăn năn hối cải và thành khẩn khai báo giúp đỡ cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án.

Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:

– Cách xác định thời gian xóa án tích đối với án treo                          

– Chưa đủ tuổi thành niên điều khiển xe máy gây tai nạn

– Trường hợp được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 024.6294.9155  để được giải đáp.

——————————————————–

THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:

– Tư vấn luật hình sự miễn phí

– Dịch vụ tư vấn pháp luật hình sự

– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.