Góp vốn bằng thương hiệu
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Hiện nay có một số đối tác muốn sử dụng thương hiệu của công ty tôi và đề nghị công ty tôi tham gia góp vốn để thành lập một pháp nhân mới. Chúng tôi đã thống nhất giá trị thương hiệu là 300 triệu để góp vốn (việc này đã được lập thành biên bản thống nhất giá trị góp vốn của các cổ đông sáng lập). Nhưng chúng tôi đang trong giai đoạn chờ cấp văn bằng bảo hộ (đã được cục SHTT chấp nhận về hình thức). Vì vậy tôi muốn hỏi công ty tôi có được góp vốn bằng thương hiệu đó không? Và thủ tục góp vốn bằng thương hiệu cụ thể như thế nào? Tôi cũng muốn hỏi thêmluật sưviệc góp vốn bằng thương hiệu có cần phải lập hợp đồng không? Có văn bản nào quy định về góp vốn bằng thương hiệu không? Hiện nay công ty tôi muốn thay đổi nhãn hiệu trong đơn đăng ký đã nộp tại cục SHTT. Việc thay đổi đơn này có được chấp nhận hay không và thủ tục như thế nào? Phân biệt góp vốn bằng thương hiệu và góp vốn bằng nhãn hiệu hàng hóa?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo Luật Doanh nghiệp, việc góp vốn bằng thương hiệu của công ty bạn là hoàn toàn được chấp nhận, giá trị thương hiệu do các bên tự thỏa thuận và thủ tục góp vốn không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, xin lưu ý bạn một số điểm sau: (i) thương hiệu dùng góp vốn có thể khác với nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký và được cấp giấy chứng nhận. (ii) việc chấp nhận hình thức của Cục sở hữu trí tuệ chỉ xác nhận rằng đơn đã được nộp đáp ứng được các yêu cầu về mặt hình thức chứ không có nghĩa rằng Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho nhãn hiệu đó sẽ được cấp.
Vấn đề hợp đồng góp vốn và thay đổi nhãn hiệu trong đơn đăng ký xin được trả lời như sau:
- Việc góp vốn bằng thương hiệu thông thường sẽ được lập hợp đồng như các loại hợp đồng góp vốn thông thường. Hiện không có văn bản nào quy định riêng về vấn đề này.
- Việc thay đổi nhãn hiệu trong đơn đăng ký bảo hộ đã nộp là không thể. Nếu công ty bạn muốn thay đổi nhãn hiệu, công ty bạn phải nộp một đơn mới cho nhãn hiệu đã được thay đổi đó. Trường hợp chỉ là thay đổi nhỏ trên nhãn hiệu, công ty bạn chỉ cần làm thủ tục sửa đổi, bổ sung cho đơn đó. Việc sửa đổi, bổ sung chỉ được thực hiện trước khi Cục SHTT ra thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ cho đơn.
- Theo mục 17, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định chính phủ số 103/2006/NĐ-CP, đối với các đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp, việc sửa đổi bổ sung không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ vượt quá nội dung đã bộc lộ trong danh mục hàng hóa, dịch vụ và không được làm thay đổi bản chất đối tượng nêu trong đơn.
Việc góp vốn bằng thương hiệu hay nhãn hiệu hàng hóa đều được phép theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, chỉ khác là đối tượng góp vốn trong các trường hợp.Việc góp vốn bằng nhãn hiệu hàng hóa chỉ có thể được thực hiện khi nhãn hiệu hàng hóa đó đã được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (đối với nhãn hiệu thông thường). Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, do quyền sở hữu công nghiệp được xác lập không cần qua thủ tục đăng ký nên không yêu cầu. Cả thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa đều có thể được coi là tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nên việc góp vốn bằng các loại tài sản này đều được chấp nhận và do đó thủ tục góp vốn không có gì khác so với thủ tục góp vốn bằng tài sản thông thường khác.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam