Hàng hóa vận chuyển vào nội địa không có hóa đơn có phải là hàng nhập lậu không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL39657

Câu hỏi:

Luật sư cho em hỏi? Trường hợp hàng hóa đang được vận chuyển trên khâu lưu thông mà không có hóa đơn chứng từ kèm theo bị cơ quan chức năng kiểm tra. Trường hợp trên hàng hóa khi được vận chuyển vào nội địa đã có xác nhận của lực lượng Hải quan nhưng đã vi phạm theo Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP. Hàng hóa có bị xem là hàng hóa nhập lậu không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP;

– Nghị định số 51/2010/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP quy định về các trường hợp hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng nhập lậu. Theo đó, các trường hợp sau đây thì hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng hóa nhập lậu:

– Hai, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường có hóa đơn, chứng từ nhưng qua điều tra, xác minh của cơ quan chức năng xác định là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Hóa đơn không hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn được quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 3 Chương I Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, theo đó:

Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn do cơ quan thuế phát hành) để lập khi bán hàng hóa, dịch vụ, để hạch toán kế toán, khai thuế, thanh toán vốn ngân sách.

Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, dịch vụ; cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác; dùng hóa đơn quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông.

– Ba, hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh thu mua gom hàng hóa trao đổi cư dân biên giới xuất hóa đơn bán hàng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh khác vận chuyển vào nội địa. Khi các cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc hàng hóa mà không có đủ chứng từ quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP. Các chứng từ đó bao gồm:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thu mua gom trực tiếp vận chuyển hàng hóa vào nội địa để tiêu thụ phải có bản chính Bảng kê hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới có xác nhận của cơ quan Hải quan hoặc Bộ đội Biên phòng (nơi không có các lực lượng Hải quan, Kiểm dịch); bản chính Biên lai thu thuế hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vượt định mức miễn thuế hoặc hàng hóa nhập khẩu ngoài danh mục hàng trao đổi cư dân biên giới (nếu có) để chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa mua gom. Bảng kê hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới theo mẫu do Bộ Tài chính hướng dẫn;

Trường hợp cơ sở thu mua gom bán hàng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh khác để vận chuyển vào nội địa thì cơ sở thu mua gom xuất hóa đơn bán hàng theo quy định và chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa. Cơ sở thu mua gom phải lưu giữ bản chính Bảng kê hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới có xác nhận của cơ quan Hải quan hoặc Bộ đội Biên phòng (nơi không có các lực lượng Hải quan, Kiểm dịch); bản chính Biên lai thu thuế hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vượt định mức miễn thuế hoặc hàng hóa nhập khẩu ngoài danh mục hàng trao đổi cư dân biên giới (nếu có) để chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa. 

Theo quy định của Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA thì thời hạn xuất trình hóa đơn đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển thì cơ sở sản xuất, kinh doanh, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đẩy đủ hóa đơn, chứng minh ngay tại thời điểm kiểm tra.

Theo quy định của Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA thì tùy vào từng hàng hóa hoặc giai đoạn vận chuyển, lưu thông,… mà sẽ cần xuất trình các hóa đơn, chứng từ hợp lệ khác nhau.

Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, trường hợp hàng hóa đang được vận chuyển lưu thông mà không có hóa đơn chứng từ, do bạn không nói rõ hàng hóa cụ thể như thế nào nên không thể xác định được việc hàng hóa đã có xác nhận của lực lượng hải quan là có vi phạm hay không? Bạn tham khảo các quy định của Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA và các quy định pháp luật có liên quan để xác định xem chứng từ có hợp lệ không? 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.