Hành vi giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Giết người trong trạng thái hoảng loạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Nguyễn Văn Quang có mâu thuẫn với Trần Văn Bách từ trước nên hai bên có hẹn gặp nhau để giải quyết (đánh nhau). Quang về nhà đem theo một con dao phớ dài khoảng 45cm đi tìm Bách. Còn Bách cũng về nhà chuẩn bị 2 thanh kiếm dài 65 cm đem theo bên mình và có rủ thêm bạn là Long cùng đi. Khi gặp Bách, Quang lập tức rút dao ra chém Bách 3 nhát và Bách đều né được. Lúc này Long rút trong túi ra hộp xịt hơi cay xịt vào mặt Quang làm Quang bị cay mắt và ngồi xuống. Bách đã rút kiếm và chém liên tiếp vào Quang làm Quang gục xuống (Bách vẫn tiếp tục chém). Sau đó Bách đi tìm bạn bè của Quang và hô “chém chết hết bọn này đi”, không gặp được ai Bách đã chém 2 người bên đường làm họ bị thương. Quang đã bị chết, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh T đã truy tố Bách về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Cơ quan điều tra bỏ qua Long không có một bản khai nào trong hồ sơ vụ án. Xin hỏi định danh tội của Bách như vậy có phù hợp hay không? Việc không đưa Long vào diện điều tra có bỏ lọt tội phạm hay không ?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau:
Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Vê tình tiết tinh thần bị kích động mạnh về khoa học luật hình sự được hiểu như sau: Đó là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Hoặc hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được, nếu tách riêng sự kích động mới này thì không được coi là kích động mạnh, nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc thì được coi là mạnh hoặc là rất mạnh.
Mặc dù hành vi của Quang là hành vi trái pháp luật nghiệm trọng nhưng có thể thấy ở đây Bách thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của Bách không phải do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của Quang làm Bách không thể tự chủ, tự kiềm chế được hành vi gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Mà ở trường hợp này Bách đã có chủ đích là sẽ đánh nhau với Quang ( thông qua việc chuẩn bị 2 thanh kiếm dài 65 cm đem theo bên mình và có rủ thêm bạn là Long cùng đi), đồng thời khi Long xịt hơi cay Bách đã tận dụng cơ hội đó để chém Quang. Có thể thấy hành vi của Bách là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của Quang và đã phạm vòa Tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Ngoài ra, đối chém 2 người bên đường làm họ bị thương, Bách còn phạm vào Tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Về hành vi của Long, có thể thấy Long đã có sự bàn bạc trước với Bách về việc đánh Quang, Long cũng cùng Bách thực hiện hành vi chém Quang. Như vậy, trong vụ án này Long là đồng phạm với Quang trong Tội giết người. Việc không đưa Long vào điều tra là đã bỏ lọt người phạm tội.Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam