Hành vi mua bán pháo có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Ngày gửi: 27/08/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL41784

Câu hỏi:

Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp tôi. Vào khoảng đầu tháng 1/2018 Tôi cũng ngồi ăn sáng cùng bạn tôi và bạn tôi có nói chuyện là có một ít pháo hoa bán nếu có ai hỏi mua thì bảo bạn tôi với. Tôi đồng ý và thời gian cứ thế trôi đi cho đến ngày 26 tôi có một ông anh gọi điện cho tôi và hỏi mua 200 quả pháo. Tôi bảo để tôi hỏi bạn tôi đã. Sau đó tôi gọi điện thoại cho bạn tôi phải nhắn tin số điện thoại của người hỏi mua cho bạn tôi để hai người làm việc với nhau và tôi không biết gì nữa. Trong lúc mua bán 2 người đã bị công an bắt và tôi là người liên quan nên cũng bị công an triệu tập sang lấy lời khai trong vụ mua bán trên tôi không được hưởng lợi ích gì từ hai người phải tôi muốn hỏi luật sư là nếu truy tố hình sự tôi có bị truy tố hay không và muốn phát của tôi là như thế nào mong luật sư giải đáp thắc mắc này giúp tôi với cảm ơn luật sư rất nhiều

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật Đầu tư năm 2014

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2016.

Công văn 340/TANDTC-PC

Bộ luật hình sự năm 2015

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015

Nghị định 185/2013/NĐ-CP

Nghị định 167/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Dựa theo thông tin bạn cung cấp, bạn là người cung cấp thông tin người bán pháo hoa cho người mua và cung cấp số điện thoại người mua cho người bán để hai bên thực hiện việc giao dịch mua bán pháo nổ. Để xác định bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự gì về hành vi của mình hay không cần xem xét các phương diện sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi mua, bán pháo hoa.

Theo thông tin, hiện nay bạn là người đang liên quan đến một vụ việc về mua bán pháo hoa. Hiện nay, pháo hoa không còn được xác định là hàng cấm, mà được xác định là loại hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2016. Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014, được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2016 thì pháo nổ được xác định là một trong những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, xác định là hàng cấm.

Trường hợp này, khi xem xét về việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay vấn đề xử phạt hành chính đối với việc kinh doanh, buôn bán pháo hoa thì tại Công văn 340/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao có quy định:

“Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-04-2009 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo thì:

“3. Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ.

4. Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.”

Theo hướng dẫn tại điểm a mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25-12-2008 của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì: “Pháo nổ” (không phân biệt xuất xứ hoặc nơi sản xuất) là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo và khi có yếu tố ngoại lực tác động thì gây tiếng nổ”.

Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ có quy định về “pháo nổ” và “pháo hoa”, không có quy định về “pháo hoa nổ”. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hay pháo hoa.

Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý về hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có các đặc tính khác (như tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc…); việc xử lý đối với trường hợp này được thực hiện như hướng dẫn tại Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28-4-2017 của Tòa án nhân dân tối cao về xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa.

Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa, không có các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì không xác định là hàng cấm và không xử lý về tội “tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo quy định…”

Căn cứ theo quy định tại nội dung Công văn 340/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao được trích dẫn ở trên, trong vụ việc mua bán pháo hoa này, để xác định chính xác về việc những người tham gia giao dịch mua bán pháo hoa có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, sẽ phải dựa vào quá trình giám định của cơ quan chuyên môn về những tang vật, vật chứng thu thập được, cụ thể là ở số pháo hoa thu thập được. Trên cơ sở này có hai trường hợp có thể xảy ra. 

  • Trường hợp 1: Số lượng pháo thu thập được chỉ là pháo hoa, không mang đặc tính của pháo nổ.

Trường hợp này, khi phát hiện việc mua bán pháo hoa và qua quá trình giám định của cơ quan chuyên môn, xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa, không có đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì trường hợp này, số pháo này sẽ không được xác định là hàng cấm, cũng không được xác định là vật liệu nổ nên những người tham gia mua bán pháo hoa sẽ không bị truy cứ trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, hay tội mua bán trái phép vật liệu nổ. 

Tuy nhiên, như đã phân tích, pháo hoa được xác định là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, do vậy người nào thực hiện việc bán, kinh doanh pháo hoa mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh pháo hoa theo quy định thì căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 8 Nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

  • Trường hợp 2: Số lượng pháo thu thập được mang đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ).

Trường hợp này, khi phát hiện việc mua bán pháo hoa và qua quá trình điều tra, giám định của cơ quan chuyên môn, xác định được số lượng pháo hoa thu được có đặc tính của pháo nổ thì trong trường hợp này, người tham gia mua bán pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam; 

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn; 

d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới; 

đ) Làm chết người; 

…”

Pháo nổ như đã phân tích, được xác định là hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do vậy, trường hợp bạn không đáp ứng đủ các điều kiện để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép vật liệu nổ theo quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 thì bạn vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng cấm theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam; 

e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

….”

Dựa trên những căn cứ được xác định nêu trên, có thể thấy, khi thực hiện hành vi buôn bán pháo nổ có khối lượng từ 06 kg trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện để bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì với hành vi mua bán pháo nổ, những người tham gia giao dịch mua, bán các loại vật liệu nổ, pháp nổ, mua, bán trái phép pháo thuốc pháo có thể bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, hành vi buôn bán pháo nổ theo quy định Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể bị xử phạt mức thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1.000.000 đồng; mức xử phạt cao nhất là 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi sản xuất pháo nổ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức gấp 2 lần mức tiền phạt quy định đối với hành vi buôn bán pháo nổ. Người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Thứ hai, xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi của bạn.

Theo thông tin, vào đầu tháng 01/2018, bạn ngồi ăn sáng cùng với bạn của bạn và nhận được thông tin về việc người này có ít pháo hoa cần bán, đang tìm người mua và nhờ bạn nếu có người mua thì báo cho người đó. Sau một thời gian, có một người tìm đến bạn và hỏi mua 200 quả pháo nên sau đó bạn đã nhắn tin số điện thoại người mua cho người bán và để hai người trực tiếp làm việc với nhau. 

Trường hợp này, có thể thấy, bạn không phải là người trực tiếp thực hiện hành vi mua, bán pháo, nên việc xem xét trách nhiệm pháp lý của bạn trong trường hợp này phụ thuộc vào việc bạn có phải là đồng phạm với người mua, bán pháo trong giao dịch này hay không. Cụ thể:

Đồng phạm, theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 được hiểu là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Những người được xác định là đồng phạm của nhau khi có sự câu kết chặt chẽ, có sự thống nhất về tư tưởng, về ý chí và có sự phân công về vai trò của nhau khi thực hiện tội phạm. Trong đồng phạm có thể bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó:

  •  Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
  • Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

  • Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

  • Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Xem xét trong trường hợp của bạn, bạn không phải là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội là mua, bán pháo. Trong vụ việc này, bạn chỉ tham gia trong việc giới thiệu, và nhắn tin người mua pháo cho người bán pháo. Đồng thời, theo thông tin sau khi nhắn tin thì việc người mua và người bán giao dịch như thế nào, bạn không hề biết cũng không tham gia trong việc thực hiện việc mua, bán pháo, cũng không được hưởng lợi ích gì từ việc mua bán. Việc giới thiệu người mua pháo của bạn chỉ đơn thuần mang tính chất giúp đỡ khi người bán pháo hoa có sự nhờ vả khi quen biết. Trường hợp những thông tin bạn đưa ra là sự thật và bạn không hề nhận được lợi ích gì, cũng không biết và không thực hiện việc tham gia bàn bạc, sắp xếp về việc mua bán, trao đổi số lượng pháo như thế nào, thì trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015, bạn không được xác định là đồng phạm, và sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử phạt hành chính về hành vi này. Tuy nhiên, bạn sẽ phải có trách nhiệm phối hợp điều tra với cơ quan điều tra trong sự việc này.

Trường hợp giữa bạn với người mua bán pháo có sự thỏa thuận thống nhất ý chí, hành động, có sự phân công công việc trong việc trao đổi mua bán pháo thì bạn được xác định là đồng phạm với người mua, và người bán pháo. Trường hợp này, việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hay bị xử phạt hành chính phụ thuộc vào mức độ tham gia của bạn, tính chất phạm tội của việc mua bán pháo mà những người này giao dịch.

Như vậy, tùy vào từng trường hợp mà hành vi mua bán pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bạn chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi được xác định là đồng phạm trong một vụ việc hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ hoặc tội buôn bán chất cấm.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.