Hành vi xả nước ra đường bê tông gây trơn trượt có bị xử phạt không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL30818

Câu hỏi:

Xin chào văn phòng luật Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam! tôi có một vấn đề như sau, rất mong nhận được sự tư vấn về pháp luật của các luật sư. Bố mẹ tôi hiện đang sinh sống tại huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội. Đường vào nhà tôi có một con ngõ nhỏ, do nhà tôi và một nhà hàng xóm tự bỏ tiền ra đổ bê tông để tiện đi lại. Gần đây có một hộ gia đình chuyển về gần khu nhà tôi, hộ gia đình đó chăn nuôi lợn, xây hệ thống chuồng trại ngay sát nhà tôi, khu chuồng trại đó có hệ thống phun nước tự động, mỗi ngày đều phun nước lên mái tôn và sau đó nước đổ trực tiếp xuống con đường bê tông bên dưới. Lâu ngày do xả nhiều nước nên con đường bị rêu mốc xanh, rất trơn trượt. Nhà tôi và nhà hàng xóm do có con nhỏ và cụ già trong nhà, đi lại qua con ngõ đó rất khó khăn, cụ nhà tôi và đứa trẻ đã bị ngã 2 lần. Hai nhà tôi đã sang ý kiến với hộ chăn nuôi đó để nhà ấy làm thêm 1 cái máng nước bên dưới thì sẽ không khiến đường bị rêu mốc nữa, nhưng gia đình đó bảo ngõ là của chung nhà đó có quyền xả nước ra. Tôi muốn hỏi hành vi như vậy có vi phạm pháp luật hay không? Gia đình tôi đi lại con ngõ đó rất nguy hiểm, nên rất muốn gửi đơn đến các cấp cao hơn mong được giải quyết. Vậy nếu gia đình tôi muốn làm đơn kiến nghị thì hộ gia đình đó có phải khắc phục hay không? và tôi muốn hỏi thêm một điều nữa là nếu hành vi xả nước ra đường của hộ đó là không vi phạm pháp luật thì tôi có thể làm đơn kiến nghị về vấn đề chăn nuôi gia súc của gia đình ấy hay không? vì theo tôi được biết pháp luật không cho phép chăn nuôi gia cầm quy mô lớn trong khu dân cư. Tôi rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Xin cảm ơn các luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật bảo vệ môi trường 2014

– Nghị định số 167/2013/NĐ-CP

– Nghị định 155/2016/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

"Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông nơi công cộng hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung;

….".

Theo đó, với hành vi xả nước ra xuống đường gây trơn trượt, làm mất vệ sinh chung thì gia đình chăn nuôi heo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Bên cạnh đó, gia đình kia phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Bạn có nêu bạn đã sang ý kiến với hộ chăn nuôi đó để nhà ấy làm thêm 1 cái máng nước bên dưới thì sẽ không khiến đường bị rêu mốc nữa, nhưng gia đình đó bảo ngõ là của chung nhà đó có quyền xả nước ra. Trong trường hợp này gia đình bạn nên làm đơn tường trình gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đang chăn nuôi heo cư trú để yêu cầu giải quyết. 

Ngoài ra, việc chăn nuôi gia cầm quy mô lớn trong khu dân cư thì hiện nay không có văn bản nào quy định về việc cấm các hộ gia đình chăn nuôi trong khu dân cư. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 6, Điều 82 Luật bảo vệ môi trường 2014 thì các hộ gia đình chăn nuôi gia súc phải có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn. Nếu các hộ gia đình chăn nuôi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo  Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tùy vào tính chất, mức độ mà có thể áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm khác nhau. 

Theo quy định, nếu gia đình hàng xóm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì bạn có thể yêu cầu cơ quan chính quyền tại địa phương giải quyết hoặc gửi đơn tố cáo yêu cầu gia đình chăn nuôi chấm dứt hành vi xả thải gây ô nhiễm đồng thời buộc bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra. Căn cứ quy định tại Điều 162 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường:

"1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

3. Thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác."

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.