Hết thời gian biệt phái, công chức vẫn tiếp tục làm việc

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL31339

Câu hỏi:

Tôi là công chức nhà nước, thuộc biên chế tại sở A. Năm 2013, tôi được cử biệt phái đến công tác tại đơn vị B 'kể từ ngày 10/01/2013; Thời hạn biệt phái: 03 năm' (trích theo Quyết định cử biệt phái). Đến nay, thời hạn cử biệt phái đã hết, nhưng tôi vẫn công tác tại đơn vị B do nhiệm vụ và chức năng của đơn vị B vẫn chưa kết thúc (theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn giữ nguyên mô hình đơn vị B). Tuy nhiên, đến nay sở A và đơn vị B chưa có Quyết định bằng văn bản về việc gia hạn biệt phái hoặc biệt phái tiếp, hoặc điều động…đối với tôi. Như vậy, sở A và đơn vị B có thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng cán bộ công chức theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định 24/2010/NĐ-CP không? Nếu sở A tiếp tục gia hạn biệt phái hoặc quyết định biệt phái mới hoặc quyết định điều động đối với tôi thì có đúng quy định không? Trong trường hợp của tôi hiện nay thì sở A và đơn vị B phải làm gì để đảm bảo quy định của Pháp luật? Trân trọng cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật cán bộ, công chức 2008;

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ Điều 53 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định về biệt phái công chức như sau:

"1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái công chức đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

2. Thời hạn biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.

3. Công chức biệt phái phải chấp hành phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.

4. Công chức biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

5. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời hạn biệt phái.

6. Không thực hiện biệt phái công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.”

Theo quy định thì biệt phái công chức là việc công chức được cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cử đến làm việc ở cơ quan,tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu của nhiệm vụ. Thời hạn biệt phái là không quá 3 năm, đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, thời hạn biệt phái thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Sau khi hết thời hạn biệt phái, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho công chức.

Theo quy định trên, bạn là công chức tại đơn vị A, được biệt phái đến đơn vị B, thời hạn là 3 năm, sau khi hết thời hạn biệt phái; thì về nguyên tắc, đơn vị A sẽ có trách nhiệm bố trí công việc cho phù hợp với bạn; nếu không thì bạn sẽ trở về làm việc tại đơn vị A, vẫn chịu sự quản lý của đơn vị A.

Tuy nhiên, do nhiệm vụ, chức năng của đơn vị B vẫn chưa kết thúc, nên bạn vẫn làm ở đơn vị B như vậy đơn vị A phải có quyết định bằng văn bản chính thức về việc gia hạn thời gian biệt phái hoặc nội dung khác áp dụng với bạn. Việc đơn vị A tiếp tục để bạn làm ở B mà không có quyết định nào về việc gia hạn thêm thời gian biệt phái là không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp này, bạn có thể làm đơn kiến nghị gửi đến đơn vị A để yêu cầu giải quyết. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.