Hình phạt áp dụng với pháp nhân phạm tội
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo quy dịnh của Bộ luật hình sự 1999, trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân mà không đặt ra đối với tổ chức. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đã quy định pháp nhân cũng là một trong những đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi phạm tội. Nhằm đảm bảo cho pháp nhân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có những quy định về hình phạt để áp dụng cho pháp nhân.
Theo Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Tuy nhiên, không phải pháp nhân nào cũng phải chịu trách nhiệm hình sự do bộ luật hình sự quy định. Pháp nhân được phân thành hai loại: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Trong đó, pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên của pháp nhân. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, chỉ có các pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Một trong những đặc điểm đặc biệt của pháp nhân so với các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự khác là đặc điểm về khả năng tác động của hình phạt đối với pháp nhân vì pháp nhân là một thực thể vô hình, hông thể nhìn thấy hay nắm giữ pháp nhân. Do đó, một số hình phạt đặc thù của Bộ luật hình sự 2015 không thể áp dụng đối với pháp nhân, ví dụ: phạt tù, cải tạo không giam giữ, tử hình…
Theo Điều 33 Bộ luật hình sự năm 2015, các hình phạt đối với pháp nhân thương mại được quy định như sau:
“1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.”
Như vậy, các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân có 03 hình phạt chính và 03 hình phạt bổ sung.
Về hình thức phạt tiền, pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ số tài sản của mình. Trong trường hợp, pháp nhân thương mại là công ty hợp danh, nếu như số tài sản của của công ty không đủ để thanh toán khoản tiền phạt thì các thành viên hợp danh sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với việc thanh toán số tiền phạt còn thiêu (các thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền phạt còn thiếu trong phạm vi số vốn góp của mình vào công ty hợp danh). Đối với những hình thức doanh nghiệp mà các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về về các nghĩa tài sản của công ty thì các thành viên của doanh nghiệp đó không phải thanh toán số tiền phạt còn thiếu trong trường hợp doanh nghiệp không thanh toán hết.
Hình phạt đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại có nội dung là tạm thời pháp nhân thương mại này không được thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình. Việc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vô thời hạn không làm chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân bị áp dụng hình phạt. Việc chấm dứt tư cách pháp nhân của một pháp nhân chỉ căn cứ theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“1. Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây:
a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật này;
b) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
2. Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Bên cạnh các hình phạt chính, Bộ luật hình sự hình sự năm 2015 cũng quy định các hình phạt bổ sung áp dụng cho pháp nhân. Cụ thể gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền (khi phạt tiền không được áp dụng hình phạt chính).
Trong bộ luật hình sự không quy định cụ thể về thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định và thời hạn cấm huy động vốn.
Quy định trách nhiệm hình sự nói chung và quy định các hình phạt nói riêng dành cho pháp nhân là một trong những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015. Điều này thể hiện sự thay đổi của pháp luật, tạo ra môi trường pháp lý công bằng, nâng cao trách nhiệm, ý thức tôn trọng pháp luật của pháp nhân. Bên cạnh đó cũng bảo vệ quyền lợi của các pháp nhân thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam