Hỏi đáp giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên
Ngày gửi: 25/05/2018 lúc 11:31:12
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Nội dung tư vấn
Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì hiện nay, người yêu bạn hiện đang muốn với ly hôn với người vợ hiện tại – người đã có con với người yêu của bạn. Để xác định người bạn trai của bạn có thể ly hôn với người vợ hiện tại không, cần xem xét các phương diện sau:
Theo thông tin, bạn trai (người yêu) của bạn bị người khác lợi dụng lúc say rượu, dẫn đến có con với người khác, và vì hoàn cảnh ép buộc nên buộc phải kết hôn với người này dù không có tình cảm gì. Lúc bạn trai của bạn có con thì người vợ hiện tại vẫn chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, và vì không có tình cảm nên bạn trai của bạn phải sống lang thang bên ngoài mà không sống chung với vợ. Có thể thấy, bạn trai bạn đã kết hôn với người vợ hiện tại, nhưng trong thông tin bạn không nói rõ đây là kết hôn thực tế (tổ chức đám cưới) hay là đã đăng ký kết hôn; và con của họ đã được bao nhiêu tuổi. Do vậy, khi xem xét về vấn đề ly hôn của bạn trai bạn sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Người bạn trai của bạn chỉ mới tổ chức kết hôn (tổ chức lễ cưới) với người vợ hiện tại mà chưa đăng ký kết hôn vì người vợ chưa đủ tuổi để đăng ký kết hôn.
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nam, nữ khi kết hôn với nhau phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn, cụ thể:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo,
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Đồng thời tại Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định:
“Điều 9. Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”
Từ những căn cứ được trích dẫn ở trên, mặc dù người bạn trai của bạn đã tổ chức lễ kết hôn (tổ chức đám cưới) nhưng chưa thực hiện việc đăng ký kết hôn, do người vợ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn (chưa đủ 18 tuổi). Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc kết hôn giữa bạn trai của bạn và người vợ hiện tại là hành vi kết hôn trái pháp luật. Trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bạn trai của bạn có thể tự mình, hoặc thông qua các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, về trẻ em thực hiện việc yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; không công nhận quan hệ vợ chồng giữa bạn trai của bạn với người vợ hiện tại.
Trường hợp 2: Người bạn trai của bạn đã đăng ký kết hôn với người vợ hiện tại.
Trường hợp người vợ hiện tại của bạn trai bạn chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn tại thời điểm có con với bạn trai bạn, tuy nhiên khi tổ chức kết hôn, cả hai người đã đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp này, khi người bạn trai của bạn muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân vì không có tình cảm, bị hoàn cảnh ép buộc thì người bạn trai của bạn phải thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật. Bởi theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Về việc ly hôn, theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân với người vợ hiện tại thì bạn trai của bạn có thể thực hiện việc yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên, nếu người vợ hiện tại của người này đang mang thai, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì bạn trai của bạn sẽ không thể thực hiện được quyền yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên do bạn không nói rõ, người con của bạn trai của bạn được bao nhiêu tuổi rồi nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định người bạn trai này có quyền yêu cầu ly hôn hay không.
Trường hợp, con của người bạn trai của bạn với người vợ hiện tại đã đủ 12 tháng tuổi trở lên thì người bạn trai của bạn có thể thực hiện quyền yêu cầu ly hôn theo hai hình thức: thuận tình ly hôn hoặc ly hôn đơn phương. Trong đó:
– Thuận tình ly hôn: Theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì thuận tình ly hôn được xác định là trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên nguyện ý ly hôn và đã thỏa thuận về việc phân chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì người bạn trai của bạn có thể thực hiện việc ly hôn thuận tình nếu như người vợ của bạn trai cũng đồng thuận về vấn đề ly hôn và trực tiếp ký vào đơn ly hôn.
Trường hợp người vợ của bạn trai bạn không đồng thuận về vấn đề ly hôn, không trực tiếp ký vào đơn thì người này chỉ có thể ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên).
– Ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên). Tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được trích dẫn ở trên, thì trong trường hợp người bạn trai của bạn và người vợ hiện tại không đồng thuận về vấn đề ly hôn thì người bạn trai của bạn vẫn có quyền đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, Tòa án chỉ thụ lý và giải quyết ly hôn cho người này nếu sau khi hòa giải tại Tòa án không thành và có căn cứ về việc vợ, chồng họ có hành vi bạo lực gia đình hoặc có hành vi nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng căng thẳng kéo dài, không thể tiếp tục đời sống chung của vợ chồng, mục đích hôn nhân không đạt được. Trường hợp sau khi hòa giải tại Tòa án không thành, người vợ không muốn ly hôn, nhưng người bạn trai của bạn cũng không cung cấp được những chứng cứ cho thấy căn cứ ly hôn theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì người này cũng không thể thực hiện được quyền ly hôn đơn phương, và vụ việc này có thể bị đình chỉ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, qua phân tích ở trên, có thể thấy, tùy vào từng trường hợp, người bạn trai của bạn đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền với người vợ hiện tại hay chưa, và con của họ bao nhiêu tuổi, mà việc yêu cầu ly hôn của người bạn trai này sẽ được thực hiện theo những thủ tục khác nhau. Do thông tin không cung cấp không nói rõ nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để có sự xác định cụ thể.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam