Hỏi về các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ Luật tố tụng hình sự 2015
2. Nội dung tư vấn
Căn cứ Khoản 1 Điều 109 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, quy định về các biện pháp ngăn chặn, thì các biện pháp ngăn chặn bao gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
– Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại Điều 110, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, nếu có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoặc người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn, hoặc có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì có thể áp dụng biện pháp giữ người khẩn cấp.
– Biện pháp tạm giữ được quy định tại Điều 117, Điều 118, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Biện pháp tạm giữ được áp dụng trong trường hợp: người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Tổng thời hạn tạm giữ (bao gồm thời hạn tạm giữ thông thường và thời hạn gia hạn tạm giữ) là 9 ngày. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam, một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì người bị tạm giữ phải được trả tự do ngay.
– Biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 119, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm: bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ Luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 119, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Lưu ý rằng: Chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù.
– Biện pháp bảo lĩnh được quy định tại Điều 121, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh. Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.
– Biện pháp đặt tiền để bảo đảm được quy định tại Điều 122, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Biện pháp này là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.
– Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được quy định tại Điều 123, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Biện pháp này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú có trách nhiệm quản lý, theo dõi họ. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Về trường hợp bắt người phạm tội quả tang được quy định cụ thể tại Điều 111, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam