Hỏi về vấn đề đăng kí quyền sở hữu trí tuệ với phần mềm máy tính ?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Mong Luật sư giải đáp giúp tôi một vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Tôi cần đăng kí sở hữu 2 phần mềm ứng dụng cho điện thoại di động và máy tính bảng. Nội dung mô tả ứng dụng có thể được viết thành văn bản và một số hình ảnh minh họa mà bất cứ lập trình viên chuyên nghiệp nào cũng thực hiện được. Phần demo ứng dụng tôi vẫn có thể viết được, nhưng để hoàn tất có thể phải thuê thêm các chuyên viên chuyên nghiệp khác, đặc biệt là phần thiết kế đồ họa. Vấn đề của tôi là nếu khi làm việc với các đối tác khác thì ý tưởng sẽ phải được chia sẻ và có nguy cơ bị đánh cắp. Tôi xin hỏi: Tôi có được đăng kí bản quyền với 2 phần mềm ứng dụng này không? Và thủ tục như thế nào, phạm vi bảo hộ ra sao, nếu có hành vi vi phạm thì xử lý như thế nào? Trân trọng!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật SHTT:
"Điều 22. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
1. Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy."
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định:
"...2. Tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả."
Như vậy, đối với 2 phần mềm máy tính, bạn có thể đăng kí bản quyền tác giả theo quy định tại Điều 49 Luật SHTT:
Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
"Điều 49. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
1. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
2. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại."
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bản quyền: Cục bản quyền tác giả
Hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính bao gồm:
- Bản sao có công chứng Giấy đăng ký kinh doanh;
- Giấy uỷ quyền (ký và đóng dấu);
- Giấy xác nhận quyền chủ sở hữu tác phẩm;
- Giấy cam đoan của tác giả sáng tác tác phẩm do nhiệm vụ được giao;
- Bản sao Giấy chứng minh thư nhân dân của tác giả;
- 02 đĩa CD ghi nội dung phần mềm
- Ba (03) bản in tác phẩm được đóng thành quyển.
Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục này:
Tác phẩm phần mềm có thể đăng ký dưới dạng đồng tác giả;
Tác giả phần mềm nếu là cán bộ, công nhân viên lao động hưởng lương thì có thể đăng ký cho công ty ký hợp đồng lao động là chủ sở hữu tác phẩm đó.
Nếu tác giả là người đại diện theo pháp luật của công ty thì việc ký xác nhận phải do các thành viên khác trong ban lãnh đạo công ty ký xác nhận;
Đĩa CD phải có bìa bọc mầu trắng để đóng dấu.
Về hiệu lực: Về mặt không gian: Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật SHTT, giấy chứng nhận đăng kí quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Về mặt thời hạn: Bảo hộ quyền tài sản của tác phẩm suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết, trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết theo quy định tại Điều 27 Luật SHTT.
Theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT:
"Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
2. Mạo danh tác giả.
3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
12. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
13. Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả."
Các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên có thể bị xử lí bằng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật tùy theo yêu cầu của người bị hại và mức độ của hành vi và hậu quả sau khi xâm phạm.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam