Hợp đồng lao động vô hiệu? Cách xử lý hợp đồng lao động vô hiệu?
Ngày gửi: 17/10/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Không phải trường hợp nào người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động cũng được pháp luật công nhận tức là có hiệu lực pháp lý. Nếu không đảm bảo những điều kiện nhất định thì hợp đồng lao động đó sẽ bị vô hiệu, khi hợp đồng lao động bị vô hiệu các bên sẽ phải xử lý những hệ quả pháp lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:1. Khái niệm hợp đồng lao động
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả tiền lương, trả công, về điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Kể cả khi các bên thỏa thuận ký kết các loại hợp đồng có tên gọi khác nhưng trong nội dung của hợp đồng có thể hiện về việc các vấn đề bao gồm làm có trả công, tiền lương và quy định về sự điều hành, quản lý, giám sát của một bên với bên còn lại thì cũng sẽ được coi là hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật lao động năm 2019 thì Tòa án nhân dân các cấp sẽ có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
2. Các trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu
Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng bị vô hiệu có hai loại là vô hiệu toàn bộ và vô hiệu một phần, cụ thể hợp đồng sẽ bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
2.1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ:
- Người đứng ra tiến hành giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền.
Nếu người giao kết hợp đồng không thuộc một trong các đối tượng được giao kết theo quy định tại Điều 18 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu toàn bộ, cụ thể như sau:
– Thứ nhất, thẩm quyền giao kết hợp đồng bên phía người sử dụng lao động:
Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp hoặc là người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
Là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị ủy quyền đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội mà sử dụng lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động;
Đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã thì sẽ là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dựa trên các quy định tại Điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền;
Đối với các cơ quan, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại điện của doanh nghiệp nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam thì sẽ là người đứng đầu hoặc người được người đứng đầu ủy quyền theo quy định;
Các cá nhân mà trực tiếp sử dụng người lao động.
– Thứ hai, thẩm quyền giao kết hợp đồng bên phía người lao động:
Người đại diện theo pháp luật và người chưa đủ 15 tuổi;
Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi – chưa đủ 18 tuổi và văn bản ghi nhận sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó;
Người lao động mà từ đủ 18 tuổi trở lên;
Nếu là một nhóm người lao động thì sẽ là người lao động nhận được ủy quyền hợp pháp từ những người lao động còn lại. Việc ủy quyền phải được ghi nhận bằng văn bản và có kèm theo danh sách bào gồm thông tin về họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động trong nhóm đứng ra ủy quyền.
- Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
Ví dụ khi giao kết hợp đồng với người dưới 13 tuổi, người từ đủ 13 đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được giao kết hợp đồng với những công việc nhẹ được quy định trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH hoặc đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi sẽ không được ký hợp đồng lao động đối với các công việc cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật lao động năm 2019.
- Vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng:
Các nguyên tắc trong giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 15 Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể bao gồm:
Các bên được quyền tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng nội dung của hợp đồng không được trái với pháp luật, với đạo đức xã hội và với thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết giữa các bên.
Thực hiện nguyên tắc giao kết hợp đồng dựa trên tinh thần của sự bình đẳng, tự nguyện, hợp tác, thiện chí và phải trung thực.
Nếu các bên khi giao kết hợp đồng mà vi phạm một trong hai nguyên tắc này thì hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu toàn bộ.
2.2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần:
Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó là vi phạm pháp luật tuy nhiên việc vi phạm đó không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Công ty ký kết hợp đồng lao động dưới 6 tháng có được không?Lưu ý: Nếu hợp đồng lao động có một phần hoặc toàn bộ nội dung mà trong đó quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn so với các quy định của pháp luật, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể hiện đang áp dụng hoặc các nội dung của hợp đồng lao động làm hạn chế các quyền khác của người lao động thì đối với phần đó hoặc toàn bộ nội dung đó sẽ bị vô hiệu.
3. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu
3.1. Đối với hợp đồng lao động bị vô hiệu từng phần:
– Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần đến khi hai bên sửa đổi, bổ sung phần nội dung bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên sẽ được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc quy định của pháp luật nếu không có thỏa ước lao động tập thể.
Riêng đối với trường hợp tiền lương trong hợp đồng lao động bị vô hiệu thấp hơn so với quy định của pháp luật, nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên tiến hành thỏa thuận lại. Người lao động sẽ nhận được phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị vô hiệu tính trên khoảng thời gian làm việc thực tế nhưng không được quá 12 tháng làm việc.
– Hai bên tiến hành việc sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị Tòa án tuyên bố vô hiệu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần bằng hình thức ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật.
3.2. Đối với hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ:
Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do nhiều nguyên nhân khác nhau và trong mỗi trường hợp cụ thể thì có những cách xử lý khác nhau. Theo quy định tại Nghị định 44/2013/NĐ-CP cách xử lý khi hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ cụ thể như sau:
– Trường hợp toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật:
Làm gì khi bị bắt đóng tiền đặt cọc khi ký kết hợp đồng lao độngTrường hợp này hợp đồng lao động sẽ bị hủy bỏ khi có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ của Tòa án. Trong vòng thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn so với quy định của pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng người sử dụng lao động và người lao động phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động mới.
Trong khoảng thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ cho đến khi hai bên giao kết hợp đồng lao động mới thì các quyền và lợi ích của người lao động sẽ được giải quyết theo quy định của quy định của pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có).
– Trường hợp công việc giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm:
Người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ của Tòa án do công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm. Nếu các bên không giao kết được hợp đồng lao động mới thì người lao động sẽ được nhận một khoản tiền bồi thường từ người sử dụng lao động do hai bên thỏa thuận với nhau nhưng mức thấp nhất là 01 tháng lương tối thiểu vùng/01 năm làm việc. Mức lương tối thiểu vùng sẽ do Chính phủ công bố tại thời điểm có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
– Trường hợp ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền:
Tiến hành ký lại hợp đồng lao động trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền của Tòa án. Lúc này Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính hoặc nơi đặt cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị, chi nhánh của doanh nghiệp chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các bên thực hiện. Hợp đồng lao động sau được ký lại theo đúng thẩm quyền se có hiệu lực kể từ ngày ký.
– Trường hợp nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động:
Hai bên phải giao kết hợp đồng lao động mới trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động của Tòa án.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam