- 1 Quyết định 1299/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1506/QĐ-BGDĐT năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 của ngành Giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3 Kế hoạch 168/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025 do thành phố Hà Nội ban hành.
- 4 Kế hoạch 81/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 5 Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1108/KH-GDĐT-CTTT | Thành phố Hồ Chí Minh,ngày 15 tháng 4 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN 2020 - 2025” CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ
Căn cứ Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”;
Căn cứ Quyết định số 1506/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 5 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” của Ngành Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 5354/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025” của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố:
I. MỤC TIÊU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
1. Mục tiêu chung
Thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa; phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách; lối sống văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học; góp phần xây dựng môi trường, giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
2. Phạm vi và đối tượng
Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025” của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố được triển khai thực hiện đến các phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; phòng Giáo dục và Đào tạo Quận-Huyện; trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường trung học phổ thông; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm GDNN-GDTX; đơn vị trực thuộc Sở từ tháng 4 năm 2020 đến hết tháng 12 năm 2025 cho đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học.
II. CÁC CHỈ TIÊU THỰC HIỆN
1. Giai đoạn 2020 - 2021
- 100% trường học xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng của mỗi nhà trường.
- Hằng năm có ít nhất 95% đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, học tập về văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và cộng đồng.
- 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
- 95% cơ sở giáo dục thực hiện văn hóa và nếp sống văn minh trong trường học.
- 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện.
2. Giai đoạn 2022 - 2025
- 100% của đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, học tập về văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và cộng đồng.
- 100% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
- 100% cơ sở giáo dục thực hiện văn hóa và nếp sống văn minh trong trường học.
- 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, người học và phụ huynh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; về mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình, người học, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, người học và phụ huynh trong trường học.
2. Xây dựng và triển khai thực hiện quy định văn hóa ứng xử trong trường học có sự tham gia, cam kết thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, người học và phụ huynh.
3. Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho người học trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.
4. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học.
5. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình: Phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập, nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý, cán bộ Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử cho người học.
6. Kịp thời xử lý cá nhân, tập thể có hành vi vi phạm về văn hóa ứng xử trong trường học, công bố công khai kết quả xử lý nhằm giáo dục, phòng ngừa và răn đe.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử
- Tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong trường học cho cho đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, người học và phụ huynh.
- Tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu thương con người; truyền thống văn hóa ứng xử; nêu gương cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, mô hình nhà trường thực hiện tốt văn hóa ứng xử.
- Đa dạng hóa ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông về văn hóa ứng xử; kết hợp giáo dục, tư vấn, giải đáp trên trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin khác của cơ quan, đơn vị; lồng ghép tuyên truyền trong cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về văn hóa ứng xử.
2. Xây dựng và triển khai quy định văn hóa ứng xử trong trường học
2.1. Xây dựng quy định văn hóa ứng xử trong trường học
- Quy định văn hóa ứng xử trong trường học là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập điều chỉnh cách thức ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo thuần phong mỹ tục, tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường.
- Các cơ sở giáo dục xây dựng, ban hành, thực hiện quy định văn hóa ứng xử có sự tham gia, cam kết thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, người học và phụ huynh.
- Nguyên tắc xây dựng:
+ Phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận.
+ Phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của nhà trường.
+ Đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi.
+ Bảo đảm tính dân chủ và nhân văn.
+ Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách người học.
- Yêu cầu:
+ Quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi...
+ Quy định phải cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, phù hợp với lứa tuổi, các cấp học và văn hóa đặc trưng của đơn vị.
+ Được thảo luận dân chủ, đồng thuận của các thành viên trong nhà trường.
+ Phải được theo dõi, kiểm tra, đánh giá trong quá trình triển khai; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
2.2. Ban hành và triển khai quy định văn hóa ứng xử trong trường học
- Người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm quán triệt, triển khai thực hiện đến đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, người học và phụ huynh và khách đến liên hệ công tác thông qua niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử, liên lạc điện tử và những nơi cần thiết khác của nhà trường.
- Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, Công đoàn nhà trường thường xuyên phổ biến, quán triệt nội dung quy định văn hóa ứng xử trong trường học trong các tiết học chính khóa, ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
3. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử
3.1 Nội dung giáo dục văn hóa ứng xử
- Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non, trong các chuyên đề lễ giáo, hoạt động giáo dục, ý thức bảo vệ môi trường để hình thành và phát triển ở trẻ em ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi (lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy, cô giáo, ông bà, cha mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè, thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên).
- Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp, cao đẳng:
+ Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông, lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của người học; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, chia sẻ, tình nguyện vì cộng đồng.
+ Xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: Văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật, vệ sinh trường lớp,...).
3.2 Đổi mới phương pháp, hình thức trong giáo dục văn hóa ứng xử
- Đổi mới phương pháp dạy học các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Pháp luật,... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Thực hiện giáo dục trong phương pháp trải nghiệm, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân, công tác tư vấn tâm lý.
- Đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại.
- Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, tổ chức đa dạng hình thức giáo dục ứng xử văn hóa, thể hiện tinh thần yêu nước, tôn trọng giá trị lịch sử truyền thống văn hóa tốt đẹp thông qua hoạt động tập thể, hát Quốc ca, Lễ chào cờ; giáo dục, định hướng, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp, giải trí lành mạnh cho người học.
- Thực hiện công tác thi đua xây dựng trường học văn hóa, văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học thiết thực, thường xuyên, hiệu quả.
4. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình
4.1. Nhà trường
- Chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị, tổ chức có liên quan để tuyên truyền, xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học; biểu dương kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nhân rộng điển hình “nói lời hay, cử chỉ đẹp”.
- Tổ chức các chuyên đề cho giáo viên, nhân viên, người học và phụ huynh tham gia chia sẻ, lắng nghe ý kiến của người học nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người học.
- Xây dựng, phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử của nhà trường; thiết lập cơ chế tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời các phản ánh; trao đổi, thu thập, xử lý thông tin từ người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường, gia đình người học, các cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường mạng.
4.2. Gia đình
- Tôn trọng, tạo điều kiện người học tham gia đầy đủ, nghiêm túc kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường, hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục văn hóa ứng xử cho người học.
- Phối hợp với nhà trường xây dựng, thực hiện các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình cho người học trong từng năm học; thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin; thực hiện tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục văn hóa ứng xử cho người học; tham gia tích cực trong các buổi họp, trao đổi, xử lí hành vi vi phạm về văn hóa ứng xử và các tình huống có liên quan.
V. THỜI GIAN THỰC HIỆN: Từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 12 năm 2025.
VI. KINH PHÍ
- Nguồn chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước.
- Nguồn thu của các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
- Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
1.1. Phòng Chính trị, tư tưởng
- Xây dựng, phổ biến, triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025” của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch qua các hình thức truyền thông, hội họp, hội thi, chương trình phong phú, hiệu quả, đúng quy định; và tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết Kế hoạch triển khai Đề án và báo cáo kết quả về UBND Thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chủ trì, phối hợp với phòng thuộc Sở và các đơn vị có liên quan báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch; kiểm tra, giám sát công tác xây dựng văn hóa ứng xử các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên tổ chức xây dựng nội dung giáo dục giá trị văn hóa truyền thống và các hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
- Đề xuất tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
2. Các phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo
Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025” của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành.
3. Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm và đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn xây dựng và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Đề án này.
4. Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận-Huyện; Trường THPT, trung cấp, cao đẳng; Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm GDNN-GDTX; Đơn vị trực thuộc Sở
- Xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng quy định văn hóa ứng xử trong trường học và triển khai thực hiện đúng Kế hoạch.
- Định kỳ trước ngày 15 tháng 5 và 15 tháng 12 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện cho Phòng Chính trị, tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bộ phận thường trực Sở Giáo dục và Đào tạo: Bà Lương Cao Thúy Uyên, Chuyên viên Phòng Chính trị, tư tưởng, email: lctuyen.sgddt@tphcm.gov.vn, điện thoại: 098 9950769; (028)38.299.682.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thủ trưởng đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| KT. GIÁM ĐỐC
|
- 1 Kế hoạch 168/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025 do thành phố Hà Nội ban hành.
- 2 Kế hoạch 81/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 3 Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu