- 1 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2 Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 3 Quyết định 2013/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 220/KH-UBND | Bắc Ninh, ngày 05 tháng 4 năm 2022 |
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HOÁ TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2030;
UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hoá tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 như sau:
1. Mục tiêu chung
- Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước thông qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã đề ra, tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác, phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia, đồng thời tôn vinh, nâng tầm văn hoá Việt Nam nói chung, văn hoá Bắc Ninh nói riêng để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế;
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hoá tỉnh Bắc Ninh trong các hoạt động ngoại giao nhằm đưa quan hệ của tỉnh với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế của tỉnh thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội;
- Qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc ra thế giới, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng từ bạn bè thế giới, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực;
- Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng văn hóa Bắc Ninh phát triển toàn diện, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, góp phần nâng cao vị thế đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
- Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ, lòng tin giữa Bắc Ninh với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế (đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Bắc Ninh). Đặt mục tiêu đến năm 2030, hằng năm, Bắc Ninh tham gia ít nhất 01 hoạt động ngoại giao văn hoá có quy mô lớn, các hoạt động trong khuôn khổ Tuần/Ngày văn hoá Việt Nam tại nước ngoài;
- Chủ động hội nhập sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hoá tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; tích cực vai trò thành viên trong việc định hình và phát huy bản sắc Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN; hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp tham gia các hoạt động ngoại giao văn hoá, góp phần nâng cao dân trí, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, nâng cao chất lượng lao động và chất lượng thụ hưởng;
- Phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu, quảng bá giá trị văn hoá, hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh Bắc Ninh ra thế giới thông qua các hoạt động ngoại giao văn hoá; tham gia các sự kiện ngoại giao văn hoá lớn, thường niên;
- Có chủ trương, chính sách ưu tiên đối với phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đầu tư vào những ngành nghề có lợi thế phát triển như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thiết kế phần mềm và trò chơi giải trí, thời trang, du lịch văn hóa...; tăng mức chi ngân sách cho phát triển văn hóa; quan tâm đầu tư đến phát triển các lĩnh vực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: làng nghề thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch các làng nghề tiêu biểu, nghệ thuật truyền thống...;
- Vận động mới, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, danh hiệu của tỉnh đã được quốc tế công nhận, góp phần bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời tạo nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và thể hiện trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hoá, tri thức của nhân loại. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có thêm 02 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận;
- Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đóng góp vào xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời bảo vệ các giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước.
- Quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đối ngoại và văn hóa, nhất là những quan điểm trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; Triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa cần gắn với việc triển khai thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hoá tại các nước đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống của tỉnh, đồng thời tiếp tục mở rộng mối quan hệ với địa phương nước ngoài có tiềm năng hợp tác với tỉnh;
- Tiếp tục đưa ngoại giao văn hoá trở thành một nội dung quan trọng trong trao đổi tại các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong việc phối hợp triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp, các ngành và địa phương;
- Tham dự các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, Tuần/Ngày văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, các chương trình giao lưu văn hóa nhân dịp các nước có các sự kiện quan trọng, góp phần đưa quan hệ đi vào chiều sâu, bền vững, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy giữa tỉnh Bắc Ninh với các nước, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài, trao đổi thương mại, thu hút khách du lịch quốc tế đến với Bắc Ninh, mở rộng quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
2. Hội nhập sâu, rộng các nội dung về văn hoá tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế
- Tăng cường thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực về văn hoá, giáo dục, khoa học, du lịch… thông qua các hội nghị, hội thảo, toạ đàm, trao đổi quốc gia, khu vực và quốc tế; tham gia tích cực các hoạt động quảng bá văn hóa - du lịch của Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO) mà tỉnh Bắc Ninh là thành viên;
- Tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu văn hoá giữa các học giả, nhà văn hoá, văn nghệ sĩ, nhà báo, học sinh, sinh viên, thanh niên Bắc Ninh với các nước, các tổ chức trên thế giới.
3. Quảng bá các giá trị văn hoá, hình ảnh đất nước, con người Bắc Ninh trong nước và ngoài nước
- Tăng cường giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những giá trị độc đáo, đặc sắc về các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, đặc biệt là các giá trị di sản văn hoá vật thể và văn hóa phi vật thể của nhân loại và quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương như Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và qua các kênh mạng xã hội. Qua đó, giới thiệu được hình ảnh quốc gia, hình ảnh của tỉnh Bắc Ninh - một tỉnh giàu truyền thống văn hoá, phát triển năng động, con người thân thiện, mến khách, điểm đến đáng tin cậy để sinh sống, học tập, du lịch, đầu tư. Đồng thời tăng cường tổ chức các sự kiện văn hoá lớn tại tỉnh có yếu tố nước ngoài tham gia, đặc biệt là các nước, vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh và các địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Bắc Ninh;
- Lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa trong các chương trình công tác của lãnh đạo tỉnh tại nước ngoài. Tiếp tục tăng cường sự hiện diện của tỉnh Bắc Ninh tại các sự kiện văn hoá quốc tế có uy tín, tiêu biểu như Triển lãm thế giới (EXPO), các sự kiện văn hoá, thể thao lớn khác ở nước ngoài...; hằng năm, tổ chức từ 01 đến 02 đoàn nghệ thuật đi biểu diễn, giới thiệu, quảng bá giá trị các di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh được UNESCO vinh danh tại nước ngoài đặc biệt là các nước có đông người Việt sinh sống;
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu các điểm đến, lễ hội, các di tích lịch sử, di sản, các làng nghề truyền thống đặc sắc; các tác phẩm tiêu biểu trên các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc... của tỉnh ra thế giới;
- Xây dựng, nghiên cứu thị trường để quảng bá văn hóa, ấn phẩm, những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống trong tỉnh mang đặc trưng nét văn hóa riêng của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc đến với bạn bè quốc tế;
- Quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và người Bắc Ninh ở nước ngoài tham gia vào các cuộc thi khu vực, quốc tế trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục...; phổ biến kiến thức cơ bản về văn hoá, ngoại giao văn hoá cho những người gốc Bắc Ninh đi lao động, học tập, công tác ở nước ngoài... góp phần xây dựng hình ảnh người Việt Nam nói chung, người Bắc Ninh nói riêng có văn hoá, tôn trọng pháp luật và có hiểu biết về văn hoá bản địa;
- Có hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ người Việt Nam sống ở nước ngoài học tập và giữ gìn tiếng Việt;
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược văn hoá đối ngoại, Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam, Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hoá Việt Nam, Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; tiếp tục định kỳ tổ chức các chương trình văn hoá lớn như: Festival Bắc Ninh, Chương trình “Về miền Quan họ”, Tuần văn hoá Bắc Ninh tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước… nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người Bắc Ninh;
- Tăng cường ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ứng dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện để truyền tải rộng rãi, hiệu quả hình ảnh con người và các di sản văn hóa tiêu biểu của Bắc Ninh ra thế giới;
- Quản lý, hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài đến hoạt động tại tỉnh, đồng thời tranh thủ quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua đội ngũ phóng viên báo chí nước ngoài.
4. Vận động, đa dạng hoá và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
- Tiếp tục lồng ghép hiệu quả, thực chất việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá tỉnh Bắc Ninh đã được thế giới công nhận vào các đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, qua đó thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá, tạo thành nguồn lực để phát triển toàn diện các mặt của đời sống xã hội;
- Tiếp tục xây dựng, đề xuất trình UNESCO công nhận nghề làm Tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; phối hợp với một số tỉnh thành có di sản văn hoá Nghệ thuật Chèo truyền thống hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vinh danh.
5. Tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại
- Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hoá nhằm đưa tinh hoa văn hoá của Việt Nam ra thế giới, góp phần bổ sung tinh hoa văn hoá nhân loại; đồng thời tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo tinh hoa văn hoá, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến thế giới vào Việt Nam, từ đó kế thừa, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để hoàn thiện và làm phong phú hơn kho tàng văn hoá, tri thức của Việt Nam;
- Kịp thời phản bác, đấu tranh hiệu quả các luận điệu sai trái, xuyên tạc, tuyên truyền không đúng sự thật về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng của những sản phẩm văn hoá không lành mạnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.
- Hằng năm, căn cứ nội dung Kế hoạch thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hoá của tỉnh và chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán kinh phí, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn liên quan;
- Đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp cho các hoạt động ngoại giao văn hóa phù hợp với quy định của pháp luật.
1. Văn phòng UBND tỉnh
Chủ trì:
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch Chiến lược Ngoại giao văn hoá; phối hợp với các đơn vị trong việc triển khai hoạt động trao đổi nghiệp vụ ngoại giao, tổ chức tập huấn công tác lễ tân ngoại giao cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố;
- Xây dựng Kế hoạch Ngoại giao văn hóa hằng năm và trình UBND ban hành, bảo đảm phù hợp với Chiến lược Ngoại giao văn hóa và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch và định kỳ báo cáo cấp trên theo quy định;
- Nghiên cứu, tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về các cơ chế, chính sách ngoại giao văn hoá và các hoạt động ngoại giao văn hoá của tỉnh tại nước ngoài.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hoá được nêu trong Kế hoạch;
- Tham mưu các nhiệm vụ liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (Kế hoạch số 77/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh);
- Chủ động gắn kết hiệu quả việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hoá và Chiến lược Văn hoá đối ngoại Việt Nam theo Kế hoạch của UBND tỉnh.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; đưa nội dung Chiến lược Ngoại giao văn hoá vào giảng dạy tại các trường, cơ sở đào tạo có các chuyên ngành về ngoại giao, văn hoá; nghiên cứu và triển khai các hình thức phổ biến kiến thức cơ bản về văn hoá, ứng xử văn hoá dành cho học sinh, sinh viên Bắc Ninh đi học tập ở nước ngoài.
4. Sở Thông tin và truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan quy hoạch kết nối mạng lưới các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hoá với hoạt động thông tin đối ngoại; xây dựng và triển khai Chiến lược truyền thông, quảng bá hình ảnh tỉnh Bắc Ninh ra nước ngoài;
- Xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý việc xuất bản, phổ biến những ấn phẩm, quảng bá hình ảnh tỉnh Bắc Ninh ra nước ngoài.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động ngoại giao văn hoá ở trong và ngoài nước, tạo sự hấp dẫn và lan toả hiệu quả các mục tiêu đã đề ra; kết nối và thúc đẩy sự tham gia của các nhà khoa học là người Bắc Ninh ở nước ngoài vào các hoạt động hợp tác, đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Ninh.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu và triển khai các hình thức phổ biến kiến thức cơ bản về văn hoá, ứng xử văn hoá dành cho người Bắc Ninh đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.
7. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh
Phát huy vai trò nòng cốt trong đối ngoại nhân dân, phối hợp với các đoàn thể, tổ chức nhân dân, tích cực triển khai thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hoá; chủ động tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo chỉ đạo các hoạt động ngoại giao văn hoá trong các hoạt động đối ngoại nhân dân. Hằng năm, xây dựng chương trình công tác, kế hoạch phối hợp, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin nhằm nâng cao nhận thức về ngoại giao văn hoá cho đội ngũ cán bộ, hội viên làm công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh.
8. Sở Tài chính
Phối hợp rà soát, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch Ngoại giao văn hoá theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.
9. Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng các chương trình quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bắc Ninh ra thế giới và tiếp nhận tinh hoa văn hoá thế giới gần gũi với người dân trong tỉnh.
10. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố
- Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị;
- Chủ động bố trí nguồn ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan. Huy động các nguồn lực hợp pháp trong xã hội để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hoá; bố trí nguồn nhân lực, phân công cán bộ tham gia tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện Chiến lược;
- Hằng năm, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng báo cáo việc triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, kế hoạch thực hiện cho năm tiếp theo lồng ghép trong báo cáo công tác đối ngoại gửi về UBND tỉnh (qua phòng Ngoại vụ - Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 30/10 để tổng hợp, báo cáo theo quy định;
- Đề nghị các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa trong quá trình triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế theo chức năng, nhiệm vụ.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, yêu cầu các Sở, ban, ngành, các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, các đơn vị chủ động báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 2 Kế hoạch 1006/KH-UBND năm 2022 triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030
- 3 Quyết định 407/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi