Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 368/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 03 tháng 03 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HỌC SINH, SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-LĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”,

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn Tỉnh, cụ thể như sau:

I. Mục đích, Yêu cầu

1. Mục đích

- Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên (HSSV); trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp HSSV tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp, chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện HSSV và hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

- Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; tìm kiếm và giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV để giới thiệu cho các nhà đầu tư; tăng cường xã hội hóa công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” (sau đây gọi là Đề án) đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

- Tổ chức triển khai Kế hoạch đến tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh; đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức và có tác động mạnh mẽ đến HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Huy động, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan trong và ngoài nước vào công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

II. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện

1. Đối tượng

- HSSV đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ HSSV trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

2. Phạm vi và thời gian thực hiện

- Kế hoạch này được triển khai đến các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố và tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

- Thời gian triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025.

III. Nội dung

1. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông

a) Chỉ tiêu

- 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV; có ít nhất 90% HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

- Có ít nhất 90% HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

b) Nhiệm vụ và giải pháp

- Triển khai, giới thiệu các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về khởi nghiệp dành cho HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tài liệu, giáo trình, sổ tay, cẩm nang, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, bảng điện tử về khởi nghiệp và tự tạo việc làm cho HSSV,…).

- Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng: xây dựng các bài viết, phóng sự tuyên truyền về khởi nghiệp trên các báo in, báo điện tử và truyền hình; tham gia các buổi giao lưu, tọa đàm, diễn đàn trực tuyến về chủ đề khởi nghiệp trên các báo điện tử, truyền hình.

- Tham gia truyền thông về khởi nghiệp trên mạng xã hội (kết nối đội ngũ cộng tác viên để làm các sản phẩm truyền thông, các videoclip theo các chuyên đề khởi nghiệp,…), tham gia cuộc thi tìm hiểu về khởi nghiệp và các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên mạng xã hội đảm bảo theo đúng quy định.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn HSSV sử dụng, khai thác nguồn thông tin, học liệu từ Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo quy định.

- Tổ chức tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động khởi nghiệp của HSSV thông qua hoạt động tổng kết, đánh giá thực hiện kế hoạch.

2. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp

a) Chỉ tiêu

- 100% các trường trung cấp, cao đẳng cử cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ HSSV tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ nhà giáo giảng dạy khởi nghiệp, cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

- 100% các trường trung cấp, cao đẳng cử HSSV tham gia các lớp đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho HSSV.

- 100% trường cao đẳng, 50% trường trung cấp thành lập tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV.

b) Nhiệm vụ và giải pháp

- Triển khai các bộ tài liệu (bao gồm các tài liệu được sửa đổi, bổ sung) cung cấp thông tin, kiến thức về khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp; bộ tài liệu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn, hỗ trợ, giảng dạy HSSV khởi nghiệp; bộ tài liệu trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV.

- Tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người làm công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

- Tham gia khóa đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho HSSV; tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp để tạo điều kiện cho HSSV được tiếp xúc với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chuyên đề khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn để phù hợp với thực tiễn.

- Tham gia hoạt động giao lưu, hội thảo, trao đổi, học tập kinh nghiệm về khởi nghiệp.

3. Tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo của HSSV

a) Chỉ tiêu

- 70% các trường trung cấp, cao đẳng có ít nhất 03 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ mạo hiểm.

- 50% các trường trung cấp, cao đẳng hình thành các các câu lạc bộ khởi nghiệp theo lĩnh vực; phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản để hình thành câu lạc bộ khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

b) Nhiệm vụ và giải pháp

- Tham gia các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp nhằm tìm kiếm, phát hiện ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Tham gia vào hệ thống phần mềm quản lý, theo dõi hỗ trợ HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; Cổng thông tin kết nối doanh nghiệp, doanh nhân hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; sàn giao dịch ý tưởng khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp trực tuyến giữa các cơ sở đào tạo HSSV và doanh nghiệp.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp phù hợp với ngành nghề đào tạo.

- Phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp.

4. Hỗ trợ nguồn vốn cho dự án khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp của HSSV

a) Chỉ tiêu

- 50% các trường trung cấp, cao đẳng tăng cường bố trí nguồn vốn hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

- 50% các trường trung cấp, cao đẳng tăng cường công tác kết nối với các doanh nghiệp, vận động xã hội hóa nguồn lực tổ chức các hoạt động khởi nghiệp và huy động nguồn vốn hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của HSSV.

b) Nhiệm vụ và giải pháp

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của đơn vị (bao gồm nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học của HSSV, nguồn xã hội hóa,…) vào nguồn vốn dành cho hoạt động khởi nghiệp của cơ sở và hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tổ chức các hoạt động tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án khởi nghiệp của HSSV.

- Xây dựng quỹ hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa.

- Chủ động phối hợp ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để đồng hành tổ chức các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của HSSV.

5. Triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp

- Đề xuất sửa đổi, ban hành chính sách về hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong tình hình mới.

- Triển khai bộ tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động khởi nghiệp theo quy định.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản mới quy định về cơ chế, chính sách về hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; chính sách đối với nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp phù hợp tình hình thực tế.

6. Công tác quản lý, điều hành

- Tổ chức đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động khởi nghiệp theo quy định.

- Tổ chức khảo sát, thống kê dữ liệu, đánh giá thực trạng công tác hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp cho HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Hàng năm, tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

IV. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị có liên quan; nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp; nguồn vận động tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo phân cấp ngân sách.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Hàng năm lập dự toán kinh phí chi tiết, gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện; thực hiện quyết toán kinh phí theo đúng quy định.

- Huy động các nguồn lực, phát huy nội lực tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch lồng ghép với các hoạt động, các chương trình, dự án khác do Sở quản lý để góp phần thực hiện mục tiêu Đề án.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng Kế hoạch triển khai hoạt động phù hợp với điều kiện của đơn vị; huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để thực hiện Kế hoạch.

- Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Kế hoạch, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh hoạt động của Kế hoạch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

2. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; triển khai các nhiệm vụ có liên quan trong Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2017 của UBND tỉnh về khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn Tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai lồng ghép hoạt động của Kế hoạch với các Chương trình, Dự án về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp do Sở chủ trì.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tùy theo điều kiện của từng đơn vị, nghiên cứu đưa ra các sản phẩm/gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ khởi nghiệp của HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, phối hợp tư vấn, hỗ trợ cho HSSV tham gia thực hiện Đề án về điều kiện, quy trình và hồ sơ vay vốn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về HSSV khởi nghiệp; xây dựng phóng sự, các tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

6. Đề nghị Đoàn TNCSHCM tỉnh

- Trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch; lồng ghép các hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong các Chương trình, Kế hoạch, Đề án liên quan.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp, hỗ trợ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

7. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo Kế hoạch của UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan.

- Xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án cấp huyện.

- Theo dõi, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương.

8. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch theo tình hình thực tế của đơn vị.

- Định kỳ báo cáo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ quản kết quả hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn Tỉnh. Đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp tổ chức triển khai thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Tổng cục GDNN;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- Tỉnh Đoàn HG;
- UBND huyện, TX, TP;
- Các cơ sở GDNN;
- Lưu: VT.CN

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đồng Văn Thanh