Khi nào được khởi kiện quyết định hành chính?

Ngày gửi: 13/10/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33936

Câu hỏi:

Chào luật sư Luật hethongphapluat Tôi có một vấn đề vướng mắc đang rất cần sự hỗ trợ và tư vấn của Luật sư như sau. Do xây dựng nhà khi chưa xin phép xây dựng nên ông Nguyễn Văn A bị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã xử phạt vi phạm hành chính (Quyết định số 13/QĐ-XPVPHC), trong đó phạt tiền ông A là 500.000 đồng và buộc ông A phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Ông A liền khởi kiện Quyết định số 13/QĐ-XPVPHC ra Tòa án nhân dân huyện, yêu cầu Tòa án hủy Quyết định nêu trên của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Luật sư cho biết theo quy định của Luật Khiếu nại thì ông A có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã như tình huống nêu trên không? Nếu có thì theo quy định nào của Luật Khiếu nại? Cảm ơn luật sư Luật hethongphapluat đã hỗ trợ!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật khiếu nại 2011

– Luật tố tụng hành chính 2015

Khiếu nại theo khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011 là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Căn cứ Điều 7 Luật khiếu nại 2011 quy định về khiếu nại quyết định hành chính như sau:

“Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

Mặt khác theo quy định tại Điều 115 Luật tố tụng hành chính 2015 thì: 

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó.

3. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.”

Như vậy, Luật khiếu nại 2011 hay Luật tố tụng hành chính 2015 không quy định về vấn đề phải khiếu nại mới có thể khởi kiện. Mà việc khởi kiện có thể thực hiện ngay từ thời điểm tổ chức,cá nhân nhận được quyết định hành chính và không đồng ý với quyết định đó. Việc giải quyết theo con đường nào đều do tổ chức, cá nhân quyết định.

Do vậy, đối với trường hợp này, ông A thực hiện khởi kiện quyết định hành chính ngay từ khi nhận được quyết định hành chính là không sai theo quy định của pháp luật. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.